Bắc Ninh: Nhận diện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội

Thứ sáu, 29/03/2024 15:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Thời gian qua, Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, giữa tháng 2 và đầu tháng 3 - 2024, Chính phủ, Bộ Xây dựng tổ chức 2 cuộc họp trực tuyến toàn quốc đánh giá về lĩnh vực này. Từ đó, đưa ra nhận định, thị trường bất động sản, các dự án nhà ở xã hội có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

KCN Yên Phong đang thu hút nhiều dự án nhà ở cho công nhân.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng: Tại Bắc Ninh, trong năm 2023 nguồn cung nhà ở và bất động sản khan hiếm, không có dự án mới; số lượng giao dịch và giá bất động sản có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, đến đầu năm 2024, do một số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản có hiệu quả, thị trường biến động theo hướng tích cực. Đặc biệt, những bất động sản ở vị trí đẹp giá đã tăng lên 10-20% so với năm 2023. Đối với việc phát triển dự án nhà ở xã hội, hiện nay tỉnh thực hiện được 54 dự án nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN, với tổng diện tích đất khoảng 173 ha. Các dự án khi hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 7,1 triệu m2 sàn với hơn 77.000 căn hộ cho 231.000 người. Ngoài ra, qua công tác rà soát quy hoạch, tỉnh xác định khoảng 175 ha đất dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cho Bắc Ninh trong giai đoạn 2021-2025. Với những kết quả trên, Bắc Ninh và một số tỉnh, thành được Chính phủ, Bộ Xây dựng đánh giá là tích cực trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Mặc dù có những khởi sắc nhưng theo các chuyên gia, nhà quản lý, trên địa bàn cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng, nhiều dự án bất động sản, nhà ở xã hội vẫn đang gặp khó khăn do chưa tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng; sức mua và thanh khoản giảm mạnh; nguồn cung khá hạn chế nhưng giá nhà ở lại có xu hướng tăng, vượt khả năng đáp ứng về tài chính của đại đa số người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý trong một số lĩnh vực đất đai, quy hoạch, đầu tư…làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Chẳng hạn, việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; quy hoạch chi tiết 1/500 không phù hợp với quy hoạch cấp trên; thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; các dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đang thực hiện nhưng căn cứ, cơ sở pháp lý hết hiệu lực. Ngoài ra, việc phải thực hiện thẩm định, điều chỉnh chủ trương đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án khi dự án chỉ có quyết định giao đất nhưng không có quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở, pháp luật về đô thị; về đấu thầu dự án có phần đất công xen kẽ… chưa có hướng giải quyết triệt để cho các chủ đầu tư.

Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 với nhiều quy định, cơ chế chính sách mới trong công tác quản lý và phát triển nhà ở. Trong đó, khắc phục được những tồn tại, bất cập trong công tác quản nhà ở và thị trường bất động sản, đặc biệt là lĩnh vực quản lý phát triển nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng. Đây là tiền đề quan trọng để các tỉnh, thành, doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển nhà ở xã hội. Trong thời gian chờ luật có hiệu lực, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở. Thành lập tổ công tác của địa phương để rà soát, nghiên cứu tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản, nhà ở xã hội đã được Tổ công tác của Thủ tướng rà soát và có văn bản chỉ đạo, hoàn thành trước 30-6-2024. Tích cực tổ chức các cuộc họp, làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, dự án nhất là các dự án lớn để lắng nghe, kịp thời tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền liên quan đến các thủ tục về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở. Có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội...

Nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải cho biết: Qua 2 cuộc họp trực tuyến, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở để bảo đảm các mục tiêu đề ra. Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở xã hội đã được phê duyệt. Đồng thời, chủ động tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền gửi về Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo xem xét, giải quyết. Từ đó, có căn cứ thực hiện quyết tâm trong việc hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao cho tỉnh phát triển hơn 30.000 căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2025…

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)