Giải pháp ứng phó thiếu nước sạch ở Thủ đô Hà Nội

Thứ sáu, 27/10/2023 14:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng theo từng năm, tuy nhiên sản lượng nước lại không tăng mà thậm chí có giai đoạn còn giảm. Vì vậy, Hà Nội đang đẩy mạnh các giải pháp ứng phó thiếu nước sạch để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân.

Nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng khoảng 5% mỗi năm

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn TP. Hà Nội đạt khoảng 1,530 triệu m3/ngày đêm. Trong đó, nguồn nước ngầm khoảng 735.000m3/ngày đêm và nguồn nước mặt khoảng 795.000m3/ngày đêm.

Ngoài việc tăng sản lượng nước, các chuyên gia cho rằng, TP. Hà Nội cần đẩy nhanh các dự án cấp nước để bảo đảm nguồn nước sạch cho người dân. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Nguồn cung cấp nước sinh hoạt trên địa bàn các quận và một số huyện có tốc độ đô thị hóa cao từ Nhà máy nước mặt Sông Đà, Nhà máy nước mặt Sông Đuống và Nhà máy nước Yên Phụ. Trong đó, Nhà máy nước mặt Sông Đà và Sông Đuống sử dụng nguồn nước mặt, còn Nhà máy nước Yên Phụ sử dụng nguồn nước ngầm. Ngoài ra, tại một số huyện có các nhà máy nước quy mô nhỏ như Nhà máy nước Ba Vì, Nhà máy nước Mê Linh, Nhà máy nước Sơn Tây…

Theo quy hoạch, tổng công suất nguồn cấp đến năm 2025 toàn TP. Hà Nội đạt khoảng 2,383 triệu m3/ngày đêm; đến năm 2030 khoảng 2,850 triệum3/ngày đêm và đến năm 2050 khoảng 3,595 triệu m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, tính toán, xét riêng dưới góc độ tăng trưởng cơ học thì nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng khoảng 5% mỗi năm, trong khi đó, tốc độ đầu tư các dự án nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Hà Nội chậm, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước ngày một tăng của người dân. Để giải quyết vấn đề này, ngay vào những tháng cao điểm hè trong năm 2023, một số khu vực đã rơi vào cảnh mất nước sinh hoạt như Hoài Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân… dù các nhà máy nước Sông Đà, Sông Đuống và Yên Phụ đã vận hành tối đa công suất.

Còn tại khu vực các huyện ngoại thành, hiện vẫn còn 139/413 xã (tổng số hộ 183.133 với 372.500 dân) chưa hoàn thành việc cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố.

Sở Xây dựng Hà Nội nhận định tình trạng khan hiếm nước sạch cục bộ ở nhiều khu vực còn tái diễn. Hè 2024, Hà Nội có nguy cơ thiếu hụt khoảng 50.000 m3 nước mỗi ngày đêm, tập trung ở phía Tây và Tây Nam. Nguyên nhân chính là nhiều dự án cấp nước sạch chậm tiến độ, trong khi thành phố đang phải giảm khai thác nguồn nước ngầm theo quy hoạch.

Hiện tại, công suất theo thiết kế các nhà máy nước sạch tập trung của thành phố hiện đạt trên 1,5 triệu m3, thực tế sản xuất trong năm 2023 gần 1,3 triệu m3 mỗi ngày đêm.

Hướng tới các giải pháp vận hành công suất dự phòng tăng 20%

Nhằm bảo đảm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong năm 2024, thành phố yêu cầu Công ty nước sạch sông Đuống, Sông Đà chuẩn bị các giải pháp để vận hành công suất dự phòng tăng 20% so với hiện nay theo thời điểm và kỹ thuật cho phép.

Đại diện Công ty nước mặt sông Đuống cho biết, hiện nhà máy đang sản xuất và cung cấp bằng gần 100% công suất giai đoạn 1 – 300.000 m3 mỗi ngày đêm. Về việc nâng công suất bù vào lượng nước thiết hụt của thành phố, đại diện công ty cho biết trong tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật cho phép, nhà máy có thể nâng công suất thêm 20.000-30.000 m3 so với công suất thiết kế trung bình đang khai thác là 300.000 m3 một ngày đêm.

Tuy nhiên, đại diện Công ty nước mặt sông Đuống cho hay, việc nâng công suất chỉ có thể thực hiện khi được cơ quan quản lý cấp phép và trong những khoảng thời gian nhất định để bảo đảm an toàn cho hệ thống.

Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cho biết, đơn vị đang vận hành nhà máy theo công suất giai đoạn 1 là 300.0000 m3 mỗi ngày đêm. Việc duy trì công suất hiện tại để bảo đảm an toàn, an ninh nguồn nước cung cấp cho người dân Thủ đô. Vì vậy, để có thể cung cấp nguồn nước lớn hơn, phải phụ thuộc giai đoạn 2 của nhà máy, khi hoàn thành sẽ nâng công suất lên 600.000 m3 mỗi ngày đêm. Tuy nhiên, tiến độ giai đoạn 2 đang bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân là khi chuẩn bị đầu tư, mực nước sông Đà xuống quá thấp gây khó khăn cho nguồn nước. Công ty đã lắp trạm bơm dã chiến năm 2020 và trạm bơm khẩn cấp năm 2023 để có thể lấy nước thô từ sông Đà đưa vào kênh dẫn về nhà máy sản xuất.

Từ thực tế trên, công ty đã nghiên cứu và đề xuất điều chỉnh cửa lấy nước từ sông Đà cách vị trí cũ khoảng 1,5 km về phía thượng lưu. Nếu việc điều chỉnh chủ trương quy hoạch được thông qua sớm, dự kiến giai đoạn 2 của nhà máy nước mặt sông Đà sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2025.

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nhà máy nước mặt sông Đà báo cáo có thể nâng công suất nhờ các biện pháp kỹ thuật như giảm tỉ lệ thất thoát trong dây chuyền xử lý, thu hồi nước rửa lọc… Khi nhà máy hoàn thành công trình xử lý bùn, công suất có thể nâng lên 315.000-320.000 m3 mỗi ngày đêm. Theo ông Du, trong thiết kế, các nhà máy nước bao giờ cũng có hệ số an toàn cao điểm và thấp điểm. Các công ty phải tính toán điều tiết đặt sự an toàn chất lượng cấp nước lên hàng đầu chứ không phải tăng công suất bằng mọi giá.

Một nguồn cung bổ sung khác được thành phố Hà Nội nêu ra là đưa Nhà máy nước mặt sông Hồng tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng vào vận hành trong quý I/2024. Nhà máy diện tích hơn 20 ha, công suất 300.000 m3 mỗi ngày đêm, kế hoạch ban đầu đưa vào khai thác quý I/2021 nhưng đã hai lần dự án bị điều chỉnh lùi tiến độ. Bên cạnh đó, thành phố cũng cho phép khai thác nguồn nước ngầm dự kiến giảm theo quy hoạch trước đó để đáp ứng nhu cầu tăng thêm.

Ông Lê Văn Du cho hay, định hướng quy hoạch các nhà máy nước ngầm sẽ giảm dần công suất khi nhà máy nước mặt đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Nguồn nước ngầm khi không sử dụng sẽ đóng lại và làm nguồn dự phòng trong trường hợp khẩn cấp.

Hiện nguồn nước ngầm do Công ty nước sạch Hà Nội đang quản lý đã thực hiện giảm khai thác nước ngầm khoảng 200.000 m3 mỗi ngày đêm. Nhưng để đáp ứng nhu cầu trước mắt khi giai đoạn 2 của Nhà máy nước mặt sông Đà chưa hoàn thành, công ty sẽ sử dụng nguồn dự phòng đó để bù đắp phần thiếu hụt.

Đối với những nơi cuối nguồn hay ở khu vực có cốt nền cao khó khăn trong cấp nước, thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị xây dựng phương án cấp nước chi tiết cho từng khu vực như bổ sung bơm tăng áp di động, vận hành van cấp nước theo giờ.

Khẩn trương đẩy nhanh các dự án cấp nước sạch

Ngoài việc tăng sản lượng nước, các chuyên gia cho rằng, TP. Hà Nội cần đẩy nhanh các dự án cấp nước, bởi nếu không đẩy nhanh các dự án cấp nước sạch thì nguy cơ thiếu nước sinh hoạt như KĐT Thanh Hà là hiện hữu, nhất là trong bối cảnh việc khai thác nước ngầm phải giảm dần từ 100.000-150.000m3/ngày đêm thì lượng nước cung cấp từ 2 nhà máy nước mặt Sông Đuống và Sông Đà là rất quan trọng.

Để bảo đảm nguồn cung cho những năm tiếp theo, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ đôn đốc các dự án cấp nước theo quy hoạch như: Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2; nâng công suất Nhà máy Bắc Thăng Long; nghiên cứu xây dựng giai đoạn 2 Nhà máy nước sông Đuống… Khi các dự án hoàn thành, tình trạng thiếu nước sạch trên toàn thành phố mới được khắc phục.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện các dự án quy mô lớn cung cấp nước sạch cho địa bàn Thủ đô đều trong tình trạng chậm tiến độ, gặp khó khăn.

Cụ thể, nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày (chủ đầu tư là Công ty CP Nước mặt sông Hồng) hiện triển khai thi công xây dựng các hạng mục công trình nhà máy nước và công trình thu, trạm bơm tại xã Liên Hồng, xã Liên Hà và tuyến ống nước thô, nước sạch theo quy hoạch được duyệt. Cùng đó, dự án đang triển khai công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức để phục vụ thi công hệ thống tuyến ống nước thô và nước sạch. Dự án triển khai chậm và đề xuất điều chỉnh tiến độ hoàn thành trong năm 2024.

Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 nâng công suất lên 450.000-600.000m3/ngày đêm (chủ đầu tư là Công ty CP Nước sạch sông Đà) tới nay cũng chưa thể hoàn thành giai đoạn 2 theo tiến độ.

Dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì lên 200.000-250.000m3/ngày đêm (chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội) mới đang nghiên cứu, khảo sát lập số liệu, xây dựng kế hoạch triển khai chuẩn bị đầu tư.

Nhà máy nước Xuân Mai tại Hòa Bình công suất 200.000m3/ngày đêm (chủ đầu tư là Công ty CP Nước Aqua One) đang triển khai thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư…

Với bức tranh chung như trên, nếu các dự án này không có sự đột phá về tiến độ mà tiếp tục ì ạch, trong cao điểm hè 2024 sắp tới và các giai đoạn tiếp theo, Hà Nội sẽ phải đối diện với nguy cơ thiếu nước sạch cục bộ tại các khu vực dân cư, đặc biệt là vùng giáp ranh hoặc cuối nguồn.

Dân số Hà Nội đến hết năm 2022 là 8,4 triệu, trong đó đô thị hơn 4,1 triệu (chiếm trên 49%), nông thôn gần 4,3 triệu (gần 51%). Nhu cầu dùng nước ở nội thành 100-150 lít/ngày/người, nông thôn 50-70 lít. Tỉ lệ đáp ứng: đạt 100% khu vực đô thị và 85% nông thôn.

Thành phố đặt mục tiêu đến 2025, 100% người dân (đô thị, đô thị vệ tinh và nông thôn) được sử dụng nước sạch. Trong đó, người dân khu vực đô thị được dùng nước 125-160 lít, dân cư đô thị vệ tinh dùng nước 100-125 lít và dân cư nông thôn được dùng nước 105-110 lít/người/ngày.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)