Pháp luật về kinh doanh bất động sản (BĐS) quy định, chủ đầu tư dự án BĐS chỉ kinh doanh các BĐS có đủ điều kiện theo quy định. Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo của Sở Xây dựng về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua. Trước khi mở bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng. Đối với các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được đăng tải trên website của Sở Xây dựng tại địa chỉ: https://sxd.khanhhoa.gov.vn.
Thực tiễn cho thấy rất nhiều sai phạm trong triển khai dự án kinh doanh BĐS. Một số vụ đã bị xử lý do vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, vi phạm Luật Kinh doanh BĐS khi ký hợp đồng chưa đủ điều kiện huy động vốn; chưa đủ điều kiện giao dịch, chuyển nhượng; một tài sản nhưng chuyển nhượng cho nhiều người; nhiều dự án phân lô bán nền, nhà liền kế, căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng không thể cấp giấy chứng nhận cho người mua, gây bức xúc trong người dân, khiếu nại gay gắt, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Trong quá trình triển khai dự án, một số chủ đầu tư vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro ảnh hưởng đến sự lành mạnh của thị trường BĐS, từ đó xảy ra các vụ án hình sự, hành chính hay khiếu nại, tố cáo đông người. Các vi phạm phổ biến, như: Không công khai thông tin BĐS; tổ chức huy động vốn, rao bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện theo quy định; quảng cáo không đúng sự thật, giới thiệu sản phẩm trong dự án BĐS chưa đúng với quy hoạch xây dựng, thiết kế công trình được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp giấy phép xây dựng; chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác với đơn vị sàn giao dịch bất động sản để phát triển dự án, phân phối độc quyền… thực hiện bán sản phẩm của dự án theo hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ thu tiền của khách hàng, quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Vì vậy, trước khi “xuống tiền”, người mua cần tìm hiểu đầy đủ thông tin dự án; tìm hiểu các quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật kinh doanh BĐS và pháp luật dân sự để tránh các thiệt hại có thể phát sinh.
Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh… Cụ thể, chủ đầu tư phải công khai trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở ban quản lý dự án (đối với các dự án đầu tư kinh doanh BĐS), tại sàn giao dịch BĐS (đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch BĐS) các thông tin về doanh nghiệp (tên, địa chỉ trụ sở chính, số điện thoại liên lạc, tên người đại diện theo pháp luật); thông tin về việc thế chấp nhà, công trình xây dựng, dự án BĐS đưa vào kinh doanh (nếu có); thông tin về số lượng, loại sản phẩm BĐS được kinh doanh; số lượng, loại sản phẩm BĐS đã bán, chuyển nhượng, cho thuê mua và số lượng, loại sản phẩm còn lại đang tiếp tục kinh doanh. Đối với các thông tin đã công khai quy định tại điểm này mà sau đó có thay đổi thì phải được cập nhật kịp thời. Chủ đầu tư phải lập hợp đồng kinh doanh BĐS theo mẫu quy định. Đối với dự án nhà ở chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố thuộc khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì chủ đầu tư không được bán, cho thuê mua cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Đặc biệt cần lưu ý, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án BĐS du lịch tập trung chủ yếu tại TP. Nha Trang và khu vực Bãi Dài (huyện Cam Lâm). Sản phẩm BĐS du lịch không phải là nhà ở, không được điều chỉnh bởi Luật Nhà ở. Do vậy, chủ đầu tư dự án BĐS du lịch không được bán căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nghỉ dưỡng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mua BĐS du lịch để làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng sử dụng.