Giải quyết điểm nghẽn bất động sản, đẩy mạnh cải cách để khôi phục đà tăng trưởng

Thứ hai, 24/04/2023 14:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia Kinh tế Việt Nam 2022 và triển vọng 2023 do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 21/4, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, những khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam ngày càng hiện hữu, vì vậy cần có đánh giá một cách tổng thể, phân tích, dự báo sát tình hình trong và ngoài nước, chủ động đưa ra các kịch bản, giải pháp trọng tâm cho cả trước mắt và lâu dài.

Hội thảo khoa học quốc gia Kinh tế Việt Nam 2022 và triển vọng 2023 do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 21/4 - Ảnh: VGP/HT

TS. Nguyễn Đức Hiển nhắc lại, trong quý I/2023, GDP chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ 2022; các đầu tàu kinh tế lớn của cả nước đều sụt giảm tăng trưởng. 

"Kết quả trên cho thấy, mục tiêu năm 2023 với tăng trưởng đạt 6,5%, lạm phát tiêu dùng bình quân 4,5% sẽ là thách thức rất lớn. Vấn đề đặt ra là cần có đánh giá một cách tổng thể, phân tích, dự báo sát tình hình trong và ngoài nước, chủ động đưa ra các kịch bản, giải pháp trọng tâm cho cả trước mắt và lâu dài", TS. Nguyễn Đức Hiển nói.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 song những vấn đề nội tại của nền kinh tế đang bộc lộ, như: Sự lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ; mối liên hệ chặt chẽ giữa hệ thống tài chính tiền tệ và thị trường bất động sản (BĐS) còn nhiều rủi ro bất ổn và chưa được phát triển một cách bền vững.

Dưới góc nhìn quốc tế, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam và Lào đã nêu dự báo của IMF về tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay sẽ đạt 5,8%, trước khi phục hồi mạnh hơn và đạt mức 6,9% trong năm 2024.

Để tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức khả quan hơn, ông Francois Painchaud cho rằng chính sách cần linh hoạt và có mục tiêu rõ ràng về ổn định hệ thống tài chính, đi đôi giải quyết điểm nghẽn của thị trường trái phiếu DN và lĩnh vực BĐS cũng như đẩy mạnh các cải cách cơ cấu về dài hạn.

Đưa ra dự báo lạc quan hơn ở mức tăng trưởng từ 6,3% đến 6,5% trong năm 2023, GS.TS Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) đồng tình với quan điểm điều hành vẫn phải kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho DN. Cần thực hiện nhanh và hiệu quả chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế như: Giảm thuế VAT, hay gia hạn nộp thuế theo Nghị định 12/NĐ-CP mà Chính phủ vừa ban hành nhằm giúp DN tiết giảm chi phí, cũng như hỗ trợ nền kinh tế. Cùng với đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư công, vì đây là một trụ chính cho tăng trưởng.

"Muốn nền kinh tế hồi phục và phát triển một cách bền vững, thì cơ bản nhất vẫn là phải cải thiện các nền tảng tăng trưởng, đặc biệt là về thể chế kinh tế và môi trường đầu tư kinh doanh. Cần các giải pháp phát triển thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng, kích cầu du lịch… Bên cạnh đó là phải phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, trong đó có thị trường BĐS", TS. Tô Trung Thành góp ý.

Các chuyên gia thống nhất nhận định, điểm nghẽn cần đột phá trong năm 2023 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là thị trường BĐS. Độ lan toả của BĐS rất lớn, có quan hệ trực tiếp tới 40 ngành kinh tế và gián tiếp gần 100 ngành nghề.

Theo nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế quốc dân, đóng góp của hoạt động BĐS đối với GDP của Việt Nam có xu hướng gia tăng. Đây là ngành có hệ số lan tỏa lớn (từ 0,5 đến 1,7 lần) vào các lĩnh vực chính của nền kinh tế như: Tài chính - ngân hàng, du lịch, xây dựng. BĐS là lĩnh vực xếp thứ hai về thu hút FDI, chiếm khoảng 10% FDI đăng ký mới hàng năm.

Vai trò, vị trí của ngành BĐS vô cùng quan trọng nên sự biến động của thị trường đã có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Nếu gỡ vướng được cho thị trường BĐS sẽ giúp lành mạnh hóa thị trường tiền tệ - vốn, phát triển các ngành công nghiệp liên quan như xi măng, thép, đồng thời giải quyết được số lượng lớn việc làm.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, hiện một số quy định chồng chéo giữa các luật và vướng mắc pháp lý ảnh hưởng đến thị trường BĐS cơ bản vẫn chưa được tháo gỡ và giải quyết. Điều này đã làm cho nguồn cung trên thị trường không bảo đảm, việc không đảm bảo tính pháp lý gây rủi ro cho cả thị trường, các nhà đầu tư và các DN.

Bên cạnh đó là những khó khăn về dòng vốn, tín dụng…, đã ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường BĐS, đại bộ phận các chủ thể tham gia thị trường đều chờ đợi, nghe ngóng các phản ứng chính sách và diễn biến thị trường.

GS.TS Hoàng Văn Cường kiến nghị kết thúc sớm việc thanh tra/xử lý với các dự án bị tạm dừng, bởi thực tế hiện nay rất nhiều dự án đang bị dừng vì thanh tra, kiểm tra, đồng thời cần khẩn trương tiếp tục triển khai đưa sản phẩm ra thị trường,

Cần tập trung giải quyết nhiều vướng mắc pháp lý, từ Trung ương đến địa phương, với việc thành lập các ban xử lý ngay các vướng mắc này. Đặc biệt, các bộ ngành cần bỏ cách trả lời hướng dẫn chung chung mà phải chỉ ra cách giải quyết thuận lợi nhất để địa phương áp dụng. GS.TS Hoàng Văn Cường cũng đề nghị có giải pháp kiểm soát việc cho vay đầu cơ BĐS, cho phép chuyển trái phiếu DN thành trái phiếu chuyển đổi sản phẩm.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới kém thuận lợi, các chuyên gia đồng tình với động thái của Việt Nam đưa ra các chính sách kích cầu, giãn nợ, cũng như tạo điều kiện để các DN, đặc biệt là các DN BĐS có thể huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu. Điểm tích cực là hiện nay các rủi ro đối với lạm phát và tỷ giá khá thấp. Bởi vậy, việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa về mức như giai đoạn 2020-2021 là hoàn toàn khả thi. Hơn nữa, do các nguồn lực trong nước hạn chế, việc duy trì ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh để thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài là rất cần thiết cho quá trình phục hồi của các DN, đặc biệt là các DN BĐS.

"Bên cạnh đó, muốn nền kinh tế hồi phục và phát triển một cách bền vững thì phải cải thiện các nền tảng tăng trưởng, đặc biệt là về thể chế kinh tế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Những bài học quá khứ cho thấy, Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, cần kiên trì cải thiện nền tảng vĩ mô, và giảm thiểu rủi ro trong tương lai", GS TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)