Vai trò của sông Hồng trong phát triển Thủ đô Hà Nội

Thứ tư, 22/03/2023 11:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Chiều 21/3, tiếp tục Hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, nhiều ý kiến tham luận đã làm nổi bật vai trò của sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội cũng như đóng một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội tương lai.

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh tham luận tại Hội thảo

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh với tham luận: Sông Hồng trong quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội, khẳng định: Ngay từ khi mới hình thành, lịch sử kinh thành Thăng Long đã gắn liền với sông Hồng, tuyến giao thông và giao thương quan trọng của Kinh thành. Do nhu cầu phòng chống lũ, trị thủy sông Hồng để bảo vệ các khu dân cư đô thị, xuyên suốt quá trình lịch sử, hệ thống đê điều hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng dần dần được hình thành và gia cố, từ các đoạn đê riêng lẻ đã liên kết thành các tuyến đê dọc theo hai bờ sông. Tuy đóng vai trò quan trọng trong phòng chống lũ, song về phát triển không gian, vô hình chung hệ thống đê chống lũ đã tạo nên sự ngăn cách sông Hồng với không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện đại ngày nay.

Qua các thời kỳ phát triển, việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” luôn được đề cao, tập trung nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, các đồ án quy hoạch liên quan.

Với các định hướng đó, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn. Hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, đảm bảo không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại. Tạo nên những giá trị mới cho Thành phố nghìn năm văn hiến, thúc đẩy nền kinh tế, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Thay vì “quay lưng” vào dòng sông, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đặt nền móng phát triển Thành phố theo hướng “nhìn sông, tựa núi”; đồng thời, tiếp nối những giá trị văn hóa, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên.

Để hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quá trình triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư rất cần được xem xét kỹ, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực sự triển khai các dự án, ưu tiên các dự án trong lixnhv ực văn hóa, du lịch, các không gian sáng tạo đem lại sự sôi động, náo nhiệt, hình ảnh của một Thủ đô hiện đại, năng động; xứng tầm thương hiệu “Thành phố sáng tạo”. Tinh thần Thăng Long, khát vọng về một Thủ đô “Văn hiến-Văn Minh-Hiện đại” sẽ là động lực để Hà Nội đưa ý tưởng đến hiện thực, và sông Hồng đóng vai trò là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa -Hà Nội nay- Hà Nội tương lai

Còn GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, qua tham luận: Sông Hồng - Trục phát triển chủ đạo của Thăng Long- Hà Nội cho biết: Sông Hồng là dòng sông lớn nhất ở miền Bắc, được hợp thành từ 3 phụ lưu chính là sông Thao, sông Đà, sông Lô. Sông Hồng đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình hình thành và biến đổi của vùng châu thổ, cùng với toàn bộ diễn tiến lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa của nó, đặc biệt là khu vực Hà Nội- trung tâm của châu thổ.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô. Ngày 25/3/2022, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000, tập trung nguồn lực xây dựng các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn, các công trình công cộng hiện đại tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông, góp phần khẳng định tầm thế mới của Thủ đô Văn hiến-Văn minh-Hiện đại vào năm 2030.

Để thực hiện được mục tiêu này, một điều kiện tiên quyết là phải phát triển hiện đại và đồng bộ cả hệ thống giao thông bộ và hệ thống giao thông thủy trên sông và hai bên bờ sông Hồng. Hệ thống đường bộ ven sông kết nối với các tuyến đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 3,5 và Vành đai 4 của đô thị trung tâm. Hà Nội đang triển khai xây dựng 3 cầu: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc và trong quy hoạch giao thông đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sẽ xây dựng thêm 7 cầu nữa là Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4), Thăng Long mới (Vành đai 3), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (Vành đai 3,5) và cầu Phú Xuyên. Hệ thống giao thông thủy dọc theo sông Hồng và các chi lưu cũng đang được khôi phục và từng bước hiện đại hóa, vừa khai thác tối đa lợi thế của các tuyến giao thông đường thủy, vừa góp phần giảm áp lực giao thông nội đô và tạo động lực phát triển bền vững toàn vùng Thủ đô.

Theo ông, Hà Nội ngày nay đang hội đủ được các điều kiện Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, trở lại với điều kiện tự nhiên vốn có, với nhịp sống của thiên nhiên, với bề dày truyền thống ngàn năm Văn hiến-Anh hùng và đang vươn lên hội nhập với xu thế phát triển chung của khu vực và của thời đại. Ngày 3/3/2023, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đến năm 2025 thành các quận nội thành, riêng Đông Anh và Gia Lâm sẽ trở thành quận nội thành ngay trong năm 2023. Tất cả các quận, huyện này đều nằm ở hai bên bờ sông Hồng, trong đó, hai huyện đi đầu là Đông Anh và Gia Lâm đều nằm ở tả ngạn. Đây là sự tái khẳng định mạnh mẽ vị trí trục trung tâm chủ đạo của dòng sông Hồng lịch sử, phát triển Thủ đô cân đối-hài hòa, nhanh-mạnh-bền vững, vươn xa và tỏa rộng ra cả hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng.

Nguồn: Hà Nội portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)