Thay vì sử dụng nguồn vốn đầu tư công, từ ngày 21/9/2022, chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch di tích sẽ được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch di tích được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Ngày 21/9/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP, chi phí cho hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch di tích thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Quy hoạch.
Cụ thể, chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Còn chi phí đánh giá quy hoạch thì được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Theo quy định mới tại Nghị định 67/2022/NĐ-CP, tất cả các chi phí trên (gồm chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và chi phí đánh giá quy hoạch di tích) đều được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Nghị định 67/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (21/9/2022).