Quận Hà Đông (Hà Nội) cần sớm có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc

Thứ năm, 18/08/2022 15:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Quận Hà Đông cần sớm có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống, phát triển công viên chuyên đề, quy hoạch không gian đi bộ… để phát triển ổn định, bền vững.

Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội kiểm tra tại quận Hà Đông - Ảnh: VGP/GH

Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã nêu những ý kiến nhằm phát triển quận Hà Đông về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025".

Đang thực hiện lựa chọn đơn vị xây dựng lại chung cư cũ

Theo Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, Quận ủy ban hành chương trình công tác, UBND quận ban hành kế hoạch triển khai trong toàn quận. Các phòng, ban, đơn vị liên quan, UBND các phường đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình; nghiêm túc phổ biến, quán triệt về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của chương trình.

Về chỉ tiêu xây dựng lại chung cư cũ, trên địa bàn quận Hà Đông có 10 khu chung cư cũ (tương ứng 35 nhà chung cư) và 19 chung cư cũ độc lập. Trong đó có 1 khu chung cư tập thể 3 tầng phường Nguyễn Trãi đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc phê duyệt Quy hoạch. Số chung cư cũ đã được Sở Xây dựng kiểm định, phê duyệt nhiệm vụ kiểm điểm là 16 nhà chung cư.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của quận đang thực hiện các bước liên quan đến khảo sát, lựa chọn đơn vị tư vấn kiểm định theo quy định.

Về công tác thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng chợ, giai đoạn 2021-2025 quận được thành phố đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng mới 5 chợ trên địa bàn quận theo hình thức kêu gọi xã hội hóa đầu tư gồm: 3 chợ ở phường Phú Lương, 1 chợ ở phường Biên Giang, 1 chợ ở phường Yên Nghĩa. UBND quận đã chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát quỹ đất, trình tự, thủ tục có liên quan để trình UBND thành phố phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.

Về chỉ tiêu trồng mới cây xanh, quận đã trồng được hơn 300 cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ và hơn 1.000 cây ăn quả các loại và đang tiếp tục trồng cây bóng mát, thảm cỏ thuộc 7 dự án đầu tư xây dựng các khu cây xanh, thể dục thể thao tại các khu đất dịch vụ, đấu giá trên địa bàn quận trong năm 2022.

Đối với Công viên Nguyễn Trãi và Vườn hoa Hà Đông, UBND thành phố đã đưa vào kế hoạch cải tạo, nâng cấp giai đoạn 2021-2025. Trong thời gian tới, UBND quận Hà Đông sẽ tổ chức rà soát, nghiên cứu, lập dự án để thực hiện cải tạo, nâng cấp sửa chữa công viên, vườn hoa thuộc phân cấp quận quản lý, đảm bảo tiến độ của UBND thành phố.

Đối với dự án Khu Công viên cây xanh - văn hóa quận Hà Đông, thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND quận đã chủ động phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, làm rõ nội dung công viên chuyên đề đối với diện tích 50,2ha đã giải phóng mặt bằng để tham mưu báo cáo việc lập đề xuất dự án đầu tư công viên vườn hoa phục vụ cộng đồng bằng nguồn vốn đầu tư công.

Ngoài ra, UBND quận Hà Đông đã phê duyệt và thi công 7 dự án đầu tư xây dựng các khu cây xanh thể dục thể thao tại các khu đất dịch vụ, đấu giá trên địa bàn các phường Hà Cầu, Dương Nội, Kiến Hưng, Vạn Phúc, Mộ Lao với tổng mức đầu tư 31,73 tỷ đồng, diện tích khoảng 23.776,8m2. Các dự án này được triển khai thi công trong năm 2022.

Đối với thực hiện hạ ngầm 100% hệ thống cáp điện lực, thông tin tại các khu vực phát triển đô thị, các tuyến đường cải tạo, xây dựng mới, quận đã đăng ký thực hiện hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông tại 55 tuyến phố với chiều dài khoảng 39,8 km trong giai đoạn 2022-2025. Để đảm bảo thực hiện đồng bộ giữa việc chỉnh trang hè phố với hạ ngầm đường dây, UBND quận Hà Đông đã đề xuất điều chỉnh tiến độ hạ ngầm đối với 17 tuyến phố đã được HĐND quận Hà Đông phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp vỉa hè. 

Hà Đông cần xác định vai trò trung tâm của vùng phía Tây Nam

Các ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, quận Hà Đông cần sớm có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc quận; quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống; phát triển công viên chuyên đề tại dự án Khu Công viên cây xanh - văn hóa quận Hà Đông cần tính đến yếu tố dài hạn; phát triển phố đi bộ tại phường Văn Quán cần dựa trên mô hình của quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ để „đi tắt đón đầu" quy hoạch không gian đi bộ  theo chuyên đề, chuỗi, để phát triển ổn định, bền vững; đồng thời bố trí nhân lực để quản lý hiệu quả

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, quận Hà Đông là địa bàn cấu trúc, chức năng không gian có nhiều yếu tố lịch sử, đô thị trung tâm phía Tây Nam của Thủ đô, quận làm tốt công tác quản lý không gian lịch sử; phát triển đô thị trong tương lai cần quan tâm tổng thể, xác định vai trò trung tâm của vùng phía Tây Nam. Vì thế, trong quá trình triển khai Chương trình số 03-CTr/TU, quận Hà Đông cần xác định rõ địa phương vừa trọng điểm của chỉnh trang đô thị, vừa là trọng tâm của phát triển đô, khi làm tốt hai nội hàm trên thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị. Theo đó, đồng chí Dương Đức Tuấn đề nghị quận cần quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; chú trọng quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tạo không gian xanh, sạch, đẹp.

Về dự án Khu Công viên cây xanh - văn hóa quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, thời gian tới UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu cho thành phố lập quy hoạch, xác định phân kỳ dự án theo giai đoạn của dự án, để sớm tổ chức triển khai công viên phục vụ cộng đồng.

Kết luận buổi kiểm tra, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, quận Hà Đông đang trong quá trình đô thị hoá nhanh, vì vậy cần triển khai Chương trình số 03-CTr/TU một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế địa phương; huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở vào cuộc, đặc biệt là vai trò của cấp uỷ các cấp và sự giám sát của HĐND quận. Từ đó, tạo sự lan toả tới từng cán bộ, đảng viên và cử tri, nhân dân, đặc biệt đối với những phường, cơ sở có mô hình hay cần nhân rộng.

Thời gian tới, quận rà soát lại toàn bộ chỉ tiêu của chương trình để đối chiếu với các chỉ tiêu quận đặt ra, định lượng cụ thể thời gian, tiến độ với từng chỉ tiêu. Với những tồn tại hạn chế, quận phải nhận diện rõ nguyên nhân từ đó có các giải pháp khắc phục. Đồng thời đưa ra mục tiêu để tháo gỡ, phân công cụ thể từng tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm với từng chỉ tiêu và lưu ý các chỉ tiêu, nhiệm vụ phải triển khai đồng bộ.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cũng yêu cầu quận chú trọng vào những dự án đang chậm triển khai để đôn đốc, triển khai đúng tiến độ.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn giao Sở Xây dựng với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát lại toàn bộ báo cáo kết quả của các quận, huyện, thị xã, tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo để có những chỉ đạo kịp thời.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)