Giải thưởng Kiến trúc quốc gia – 28 Năm nhìn lại

Thứ năm, 14/04/2022 15:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 12/4/2022, Hội KTS Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Giải thưởng Kiến trúc quốc gia – 28 năm nhìn lại”, mở ra nội dung thảo luận về công tác tổ chức, truyền thông Giải thưởng Kiến trúc quốc gia (GTKTQG), với mong muốn Giải thưởng ngày càng nâng cao chất lượng, theo sát với thực tiễn sáng tác, mục đích và ý nghĩa của giải thưởng ngày càng được lan tỏa, thu hút sự quan tâm của giới nghề và xã hội.

Giải thưởng Kiến trúc quốc gia ngày càng đến gần hơn với giới nghề và công chúng

GTKTQG do Thủ tướng Chính phủ thành lập và giao cho Hội KTS Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đồng tổ chức từ năm 1994 theo định kỳ 2 năm một lần nhằm tôn vinh các tác giả – tác phẩm kiến trúc xuất sắc trên toàn quốc. Năm 2022 sẽ ghi dấu kỳ GTKTQG lần thứ 15.

Qua 14 kỳ Giải thưởng, Hội đồng GTKTQG đã nhận được 2124 tác phẩm tham dự, đã trao 01 Giải thưởng Lớn, 21 Giải Nhất/Giải Vàng, 102 Giải Nhì/Giải Bạc, 213 Giải Ba/Giải Đồng, 194 Giải Khuyến khích/Giải Chuyên đề, Thể loại và Giải thưởng Hội đồng cho các tập thể và cá nhân tác giả – tác phẩm đoạt giải.

Bên cạnh đó, Hội đồng GTKTQG cũng đã trao 18 Bằng khen KTS Trẻ tiêu biểu, 10 Bằng khen cho các Đơn vị/Tập thể và cá nhân tích cực tham dự Giải, 01 Giải Tác phẩm được cộng đồng yêu thích và 14 Chứng nhận danh hiệu “Nhà Đầu tư Thông minh” cho các Chủ đầu tư công trình đạt giải cao, có tầm nhìn mang tính đột phá cũng như quan tâm sâu sắc đến lợi ích chung của xã hội, cộng đồng…

Số lượng tác phẩm tham gia có tăng, giảm từng kỳ do tình hình kinh tế xã hội, nhưng 2 kỳ gần đây đều tăng trên 30% so với kỳ giải thưởng trước đó.

Hội KTS Việt Nam đã nhiều lần tổ chức tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, các kiến trúc sư và các Hội cơ sở tại một số kỳ hội nghị Ban chấp hành… tiếp thu các ý kiến đóng góp để đổi mới Giải thưởng. Thông qua đó, GTKTQG đã có nhiều cải cách, đổi mới, Giải thưởng đến gần hơn với giới nghề và công chúng, hướng đến chuẩn mực quốc tế.

Trải qua 28 năm với 14 kỳ được tổ chức, GTKTQG đã tạo cơ hội đạt giải cho nhiều đối tượng kiến trúc sư các thế hệ, từ nghiên cứu lý luận phê bình cho đến các lĩnh vực hành nghề kiến trúc (quy hoạch – thiết kế đô thị, kiến trúc công trình, nội thất, cảnh quan,…), kể cả KTS nước ngoài; đồng thời tạo nên những chuyển biến trong nhận thức xã hội, giúp mọi người hiểu rõ hơn về vai trò, chức năng của kiến trúc, về bản chất văn hóa và tính xã hội sâu sắc của kiến trúc trong đời sống.

Để nâng cao chất lượng và tính lan tỏa của Giải thưởng Kiến trúc quốc gia

Tiếp tục hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng và tính lan tỏa của GTKTQG, Tọa đàm “Giải thưởng Kiến trúc quốc gia – 28 năm nhìn lại” đặt ra một số vấn đề cần khắc phục, cải tiến liên quan đến: nội dung, cơ cấu giải thưởng; tiêu chí xét giải; công tác vận động tham gia và tổ chức, chấm giải. Tọa đàm có sự tham gia của Ban chấp hành Hội KTS Việt Nam, ủy viên Hội đồng GTKTQG các kỳ, các chuyên gia và một số KTS tham dự Giải…

Tọa đàm đã trao đổi, thảo luận thẳng thắn xoay quanh những vấn đề cụ thể trong công tác tổ chức Giải: Cơ cấu Giải thưởng đã phủ hết các lĩnh vực hành nghề? Có nên tiếp tục bảo hộ kiến trúc trong nước bằng việc tách riêng thể loại dành cho KTS nước ngoài? Thành phần, cơ cấu Hội đồng GTKTQG như thế nào là phù hợp? Để xã hội hóa Giải thưởng, nên có loại giải nào để cổ vũ, động viên đối với các tổ chức/cá nhân ngoài giới KTS có thành tựu tuyên truyền, phổ biến và đầu tư, trợ giúp hoạt động kiến trúc nhằm khuyến khích phát triển nền kiến trúc Việt Nam? Có nên xem xét, cân nhắc, làm rõ hơn một số tiêu chí cụ thể theo từng kỳ cho từng thể loại tác phẩm để nâng cao chất lượng giải thưởng các chuyên ngành?…

GTKTQG hiện mới tập trung chủ yếu ở sự tự nguyện của cá nhân các KTS, thiếu các tác phẩm có quy mô lớn, chưa đại diện tiêu biểu cho thực trạng phát triển kiến trúc sôi động, chưa thu hút được các tác phẩm lớn, đóng vai trò định hướng kiến trúc khu vực và phát triển xã hội, chưa làm cho nhà đầu tư thấy cần thiết tham gia. Phương thức tổ chức, vận động tham gia Giải thưởng chưa đạt hiệu quả cao, chưa khuyến khích được đông đảo KTS các vùng miền tham dự.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về Giải thưởng cũng được đề cập đến, là công tác cần chú trọng cả trước khi phát động, trong và sau khi chấm, trao giải.

Phát biểu tại Tọa đàm, KTS Nguyễn Tấn Vạn – Nguyên Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng: GTKTQG là giải thưởng lớn, uy tín trong lĩnh vực Kiến trúc, đóng vai trò không nhỏ trong việc thúc đẩy sáng tạo, góp phần thay đổi Kiến trúc Việt Nam theo hướng tiến bộ, đổi mới. Cần công tác vận động hiệu quả hơn để thu hút sự tham gia của nhiều đối tượng kiến trúc sư và tác giả, để các tác phẩm hay không vắng bóng trong các kỳ Giải thưởng.

KTS Nguyễn Tấn Vạn phát biểu tại Tọa đàm

Cùng quan điểm, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh: “GTKTQG dù khó mấy cũng phải tìm được các tác giả, tác phẩm thật sự tiêu biểu, mang tính dẫn dắt, mở đường. Giải thưởng cần tạo ra sự sáng lọc thật tốt, thật sắc để góp dẫn dắt nền kiến trúc phát triển”.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính phát biểu tại Tọa đàm

TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Tổng kết Tọa đàm sau những ý kiến của các chuyên gia, kiến trúc sư, TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết, Hội KTS Việt Nam sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp, làm căn cứ để nghiên cứu, trao đổi cùng Bộ Xây dựng, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Hội đồng kiến trúc, đi đến thống nhất chung trong công tác đổi mới, cải tiến tổ chức GTKTQG nhằm xây dựng Giải thưởng thực sự có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, gắn kết với nhu cầu cộng đồng và có những hướng phát triển hoàn thiện bền vững với khả năng hội nhập cao.

Nguồn: Kienviet.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)