Nhiều khó khăn trong việc phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp
Thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và các đại biểu Quốc hội. Nhấn mạnh về sự cần thiết của việc xây nhà xã hội cho công nhân, đại biểu Nguyễn Quang Huân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, các dự án này thể hiện được yếu tố an toàn và bình đẳng cho xã hội, giúp người lao động tập trung sản xuất, tạo của cải vật chất cũng như cung cấp chuỗi cung ứng sản xuất hàng ngày. Đại biểu cho rằng nếu không quan tâm đúng mức đến vấn đề này sẽ gây bất ổn trong sản xuất và xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, các khu công nghiệp đang thiếu hụt hạ tầng xã hội cho người lao động như thiếu nhà ở cho công nhân, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, thiếu trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở, công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn và đông đúc. Dù đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho công nhân, điển hình là việc Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội, tuy nhiên các doanh nghiệp đầu tư vẫn chưa coi nhà ở xã hội là thị trường hấp dẫn để tập trung đầu tư.
Việc thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở công nhân trong khu công nghiệp là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và các đại biểu Quốc hội
Từng tham gia triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội, ông Phạm Văn Ân – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, thẳng thắn thừa nhận các doanh nghiệp thường ít quan tâm đến nhà ở xã hội do giới hạn về lợi nhuận dự án; giới hạn về đối tượng khách hàng. Ngoài ra, so với các dự án nhà ở thương mại, với dự án nhà ở xã hội cần thêm một số thủ tục như phê duyệt giá, danh sách khách hàng,…Trong dự án nhà ở xã hội bắt buộc phải bố trí một phần diện tích nhà cho thuê nên cũng phần nào làm giảm sự hấp dẫn của phân khúc này.
Quan tâm đến các dự án xây dựng nhà ở xã hội, ông Trần Ngọc Anh – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera cho biết, trong những đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhà ở xã hội đã phát huy vai trò quan trọng, việc công nhân được an cư trong những khu nhà ở đã góp phần để giúp hoạt động sản xuất của công ty được duy trì ổn định. Tuy vậy, theo ông, nhiều khu công nghiệp có đầy đủ và đồng bộ hạ tầng, tạo ra môi trường, cảnh quan rất hiện đại, nhưng có đến 80 – 90 % công nhân lao động đều ở tạm cư. Việc phát triển nhà ở cho công nhân vẫn còn điểm nghẽn ở chính sách, gây khó khăn cho công nhân và cả những công ty tại khu công nghiệp.
Cùng quan điểm trên, bà Vũ Thị Hợp – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp cho biết, quá trình phát triển nhà ở tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là pháp lý và quy định pháp luật còn xung đột, chồng chéo với nhau.
Cần lấy người lao động làm trung tâm trong phát triển nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp
Chia sẻ quan điểm về vấn đề nha ở cho công nhân, ông Đỗ Văn Quảng – Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam nhận định, công nhân chưa tiếp cận được với nhà ở xã hội do thu nhập thấp; giá nhà ở xã hội, mặc dù đã khá thấp, nhưng vẫn vượt quá khả năng chi trả của hầu hết công nhân có nhu cầu mua nhà. Bên cạnh đó, phần lớn người lao động trẻ chưa xác định gắn bó lâu dài tại một doanh nghiệp, trên một địa bàn, thường chuyển việc, dịch chuyển nhiều địa bàn nên chưa muốn ở một nơi cố định. Ngoài ra, thiết kế, công năng, cách thức quản lý tại một số khu nhà ở xã hội chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, thói quen, lối sống… của người lao động.
Đề xuất một số giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nhà ở cho công nhân, đại diện Công đoàn Xây dựng Việt Nam cho rằng Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân như: Vốn, quỹ đất, thủ tục hành chính, thiết kế mô hình mẫu … giúp chủ đầu tư giảm thời gian xét duyệt hồ sơ, tiết giảm chi phí đầu tư, giảm giá nhà, gia tăng lợi nhuận. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ công nhân khi mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ đối tượng được mua, thuê mua, thuê nhà tại các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, đảm bảo các dự án nhà ở xã hội cho công nhân thì chỉ dành cho đối tượng là công nhân, không để người không đúng đối tượng được mua với mục đích đầu cơ, kiếm lời.
Theo đại diện Công đoàn Xây dựng Việt Nam, trước khi triển khai dự án nhà ở xã hội cho công nhân, cần tiến hành khảo sát, nắm chắc nhu cầu về nhà ở của công nhân trên địa bàn để có cơ cấu hợp lý giữa căn hộ để bán và cho thuê. Cần thiết kế căn hộ hợp lý với từng đối tượng khách hàng là hộ gia đình, người độc thân, có chính sách giá bán, giá cho thuê phù hợp với đối tượng là công nhân, người có thu nhập thấp.
Đại diện Công đoàn Xây dựng Việt Nam chỉ rõ, các dự án nhà ở xã hội cho công nhân cần có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho đối tượng là công nhân như: nhà trẻ, mẫu giáo, bãi gửi xe, cây rút tiền ATM... Đặc biệt, cần có các cửa hàng tiện ích bán thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu với giá bán tương tương ở các khu nhà trọ, chợ dân sinh, các quán cơm bình dân. Có cách quản lý chuyên nghiệp, thủ tục đơn giản, thuận tiện đối với người thuê nhà, hỗ trợ xử lý kịp thời những vấn đề về điện, nước, phòng chống cháy nổ...
Cùng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp cần nắm vững nhu cầu của người lao động, Bà Tống Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho rằng, mô hình chúng ta hướng đến trong tương lai là mô hình khu công nghiệp đô thị và dịch vụ, đây là mô hình ưu việt và đảm bảo cả hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, cần chú ý, không nên hướng đến mục tiêu khuyến khích công nhân mua, sở hữu nhà lâu dài vì sẽ kéo theo nhiều hệ quả khó lường. Thay vào đó, cần chú trọng phát triển theo hướng: công nhân, người lao động chỉ cần ổn định trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Vũ Ngọc Anh- Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, các nước công nghiệp phát triển đã có những chính sách phát triển theo từng giai đoạn với từng hình thức khác nhau phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó, thành công nhất là giai đoạn nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc chăm lo cho đời sống công nhân lao động. PGS.TS Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh, cần phải đặt vai trò của người lao động lên ưu tiên hàng đầu bởi công nhân là lực lượng sản xuất chính, nòng cốt đối với nền kinh tế. công tác chăm lo cho đời sống công nhân, cũng như xây dựng nhà ở an sinh xã hội là cực kỳ quan trọng, không chỉ với doanh nghiệp mà còn đối với cả xã hội.