Tọa đàm “Công trình ngầm đô thị: Quy hoạch, quản lý và công nghệ xây dựng”

Chủ nhật, 13/03/2022 09:21
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 12/3/2022, Tạp chí Xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) phối hợp với Tập đoàn Vingroup, Công ty Bachy Soletanche Việt Nam và Công ty Cổ phần FECON tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Công trình ngầm đô thị: Quy hoạch, quản lý và công nghệ xây dựng”. Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội; Ban quản lý đường sắt đô thị Tp.Hồ Chí Minh; đại diện các doanh nghiệp Việt Nam.

Tọa đàm thu hút nhiều chuyên gia tham dự

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thái Bình - Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng cho biết, hiện nay, đầu tư xây dựng các công trình có sử dụng không gian ngầm được các quốc gia phát triển đặc biệt quan tâm. Tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, việc sử dụng không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm đang dần hình thành, góp phần quan trọng vào xây dựng phát triển đô thị. Tuy nhiên, việc tổ chức khai thác không gian ngầm đô thị cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi chính quyền mỗi thành phố cân nhắc, lựa chọn công nghệ thi công xây dựng các công trình ngầm dưới lòng đất cũng như công tác, quy hoạch, quản lý.

Đề cập tới việc quản lý không gian ngầm và xây dựng công trình ngầm đô thị ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến cho biết, đô thị Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng và chất lượng (tính đến năm 2021 có 870 đô thị), tạo áp lực không nhỏ cho hạ tầng đô thị. Các thành phố lớn gần như cạn kiệt quỹ đất xây dựng đô thị, không gian công cộng, không gian xanh ngày càng bị thu hẹp. Đứng trước thực trạng này, xu hướng mới ở Việt Nam là tận dụng, khai thác và quản lý phát triển không gian theo chiều sâu của đô thị. Những năm gần đây, Việt Nam rất chú trọng xây dựng công trình ngầm, sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm, trước hết phải kể đến các công trình giao thông ngầm: tuyến tàu điện ngầm, ga tàu điện ngầm tại Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh; hầm đường bộ; hầm vượt sông (Tp. Hồ Chí Minh); hầm cho người đi bộ; bãi đỗ xe ngầm, hạ ngầm các đường dây, cáp trong các cống cáp, hào, tuy nen kỹ thuật. Bên cạnh công nghệ truyền thống, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng để xây dựng công trình ngầm, qua đó góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, tăng mức an toàn trong quá trình thi công. Tuy nhiên, phát triển công trình ngầm ở nước ta còn nhiều vấn đề cần giải quyết: không gian trên mặt đất và không gian ngầm được thống nhất và đồng bộ như thế nào bắt đầu từ bước quy hoạch; trong quản lý sử dụng đất, được phép sử dụng đất đến độ sâu bao nhiêu và sâu vào lòng đất tối đa là bao nhiêu; quan hệ giữa người sử dụng đất trên mặt đất và dưới mặt đất được quy định như thế nào; các loại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất không có quy định về sử dụng không gian dưới đất; vấn đề về sở hữu công trình ngầm, sở hữu không gian ngầm; phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn của công trình ngầm đặc biệt các tuyến tàu điện ngầm được quy định như thế nào; năng lực quản lý, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu; năng lực tài chính, công nghệ...

Qua phân tích, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến đề xuất một số định hướng trong phát triển công trình ngầm ở Việt Nam thời gian tới, theo đó cần hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý không gian ngầm (xây dựng Luật Quản lý không gian ngầm; bổ sung nội dung quy hoạch không gian ngầm trong Luật Quy hoạch đô thị và các luật liên quan); hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình kỹ thuật có liên quan đến quy hoạch, thi công xây dựng, bảo trì công trình ngầm; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu công trình ngầm, cơ sở dữ liệu cấu trúc nền địa chất đô thị phục vụ xây dựng công trình ngầm; xây dựng chiến lược tổng thể quản lý, khai thác sử dụng không gian ngầm; xây dựng hoặc hoàn thiện các cơ chế, chính sách tài chính huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển không gian ngầm.

Tại Tọa đàm, ThS. Lưu Nguyên Vũ - Phó phòng Kỹ thuật, Công ty Bachy Soletanche Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ thi công tường vây (Diaphragm Wall) cho nhà ga Bến Thành - Metro Line 1 - HCMC. Việc xây dựng ga Bến Thành gặp rất nhiều thách thức trong thi công tường vây: tường vây sâu, có nhiều độ dày khác nhau; lồng thép phức tạp và có trọng lượng lớn; mối nối lồng thép tại hố đào có chiều dài lớn, gioăng ngăn nước được lắp đặt sâu trong lớp sét đến gần chân tường… Ngoài ra, việc tổ chức thi công khối lượng lớn, vừa đảm bảo tiến độ vừa đảm bảo an toàn cho người lao động cũng là thách thức đối với nhà thầu. Vì vậy, bài học kinh nghiệm từ dự án này có thể trở thành thực tiễn quý báu cho các kỹ sư địa kỹ thuật - những người đang gặp phải các vấn đề tương tự trong quá trình thiết kế, xây dựng các công trình ngầm cũng như các dự án liên quan khác ở trung tâm các thành phố lớn trong tương lai.

Các đại biểu thảo luận tại Tọa đàm

Chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ xử lý nền đất trong thi công công trình ngầm đô thị, PGS.TS. Lê Quang Hanh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần FECON cho biết: các công trình xây dựng trong đô thị thường có đặc điểm không gian thi công hạn hẹp, dễ ảnh hưởng đến công trình bên cạnh, hạn chế thời gian thi công và tiếng ồn, hạn chế thiết bị thi công. Đối với công trình ngầm đô thị, yêu cầu về điều kiện thi công còn phải cao hơn. Đặc biệt tại Việt Nam, khi gần như tất cả các thành phố lớn đều có vị trí tại châu thổ sông, địa chất thường là đất yếu, mực nước ngầm cao, việc xử lý nền đất trong thi công công trình ngầm đô thị có vai trò quyết định đối với sự thành công của dự án.

Trong tham luận của mình, PGS.TS. Lê Quang Hanh giới thiệu các công nghệ thi công nền đất đã ứng dụng thành công tại Việt Nam: Jet grouting đường kính lớn (BDJ), Jet grouting nghiêng, phương pháp chống thấm chủ động bằng hóa chất thủy tinh lỏng, công nghệ khoan xử lý nền đất định hướng trước. Các phương pháp này từ Nhật Bản, có tính ưu việt và có thể áp dụng với nhiều dạng công trình bị hạn chế không gian thi công trong đô thị.

Tham gia Tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu khách mời cũng cùng nhau trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề khác liên quan đến quy hoạch, quản lý và công nghệ xây dựng công trình ngầm: tổng quan về quản lý xây dựng công trình ngầm ở Việt Nam; sử dụng không gian ngầm tại Nhật Bản, các công nghệ tiêu biểu và việc áp dụng vào công trình ngầm tại Việt Nam; phát triển mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội…

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)