Hà Nội: Nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng

Thứ năm, 17/02/2022 15:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Là một trong hai đô thị đặc biệt của cả nước, những năm qua, Thủ đô Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trung bình hằng năm, trên địa bàn thành phố có khoảng 15.000 công trình xây dựng được khởi công (trung bình 41 công trình/ngày). Khối lượng công trình lớn đòi hỏi công tác quản lý trật tự xây dựng phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy vậy, hiện nhiệm vụ này còn một số khó khăn, bất cập cần sớm tháo gỡ, khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng nhằm hạn chế vi phạm.

Vi phạm vẫn chiếm tỷ lệ 7%

Đánh giá về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, nếu như thời gian trước, vi phạm trật tự xây dựng chiếm tới 13-15% số công trình xây dựng mới, thì 5 năm gần đây, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau khi thực hiện mô hình thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, các công trình xây dựng cơ bản đã được kiểm tra, kiểm soát; vi phạm được phát hiện, xử lý kịp thời. Các công trình vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng giảm về số lượng và quy mô vi phạm. Những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận dần được hạn chế. Tuy vậy, giai đoạn 2016-2020, qua kiểm tra 95.502 công trình (đạt tỷ lệ 100% công trình có hoạt động xây dựng), các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 6.457 trường hợp có vi phạm (chiếm tỷ lệ 7%).

Nói về những khó khăn, bất cập, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho hay, huyện Đông Anh có tốc độ đô thị cao, nhu cầu về cải tạo, sửa chữa nhà ở của nhân dân rất lớn và bức thiết, tuy nhiên công tác quản lý trật tự xây dựng gặp nhiều khó khăn, trong đó có những vướng mắc đến từ quy định pháp luật. Cụ thể, Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2014 quy định các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn thuộc khu vực có quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đều phải xin cấp phép. Song, chế tài xử lý đối với hành vi xây dựng không phép, sai phép chưa có, nên cơ quan chức năng lúng túng.

Một vướng mắc nữa, theo Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Ba Đình Vũ Hữu Anh là thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng của đội chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm và báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý, do đó hiệu quả xử lý chưa cao. Ngoài ra, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị vẫn đang hoạt động theo mô hình thí điểm, chưa có vị trí chính thức trong tổ chức bộ máy của UBND cấp huyện. Lực lượng quản lý trật tự xây dựng mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc...

Để nâng cao hiệu quả quản lý

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Nguyễn Việt Dũng cho biết, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng, cuối năm 2021, UBND thành phố Hà Nội ban hành Chuyên đề số 03 “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh công tác cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố”. Chuyên đề hướng tới mục tiêu tất cả hoạt động xây dựng đều phải được kiểm tra, giám sát; vi phạm trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm; từng bước xử lý dứt điểm các vi phạm tồn đọng; kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục các tồn tại; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác cấp phép, quản lý trật tự xây dựng...

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, Sở sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; kịp thời phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khắc phục. Bên cạnh đó, Sở chủ trì tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.

Cũng theo ông Hoàng Cao Thắng, Quyết định số 04/2019/ QĐ-UBND ngày 18-3-2019 của UBND thành phố về quản lý trật tự xây dựng quy định rõ: UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Do vậy, UBND cấp huyện cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND cấp xã thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; cùng với đó là xử lý nghiêm các cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng. Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị để đề xuất UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp ổn định tổ chức bộ máy.

Nguồn: Hà Nội mới

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)