Cơ chế đặc thù giúp Cần Thơ khẳng định đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu, 07/01/2022 13:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 1 này, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ. Với Nghị quyết thí điểm được thông qua sẽ giúp địa phương trung tâm ĐBSCL phát huy tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư để phát triển nhanh, bền vững và nhanh chóng trở thành đô thị hạt nhân của vùng.

TP Cần Thơ - Trung tâm ĐBSCL với nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kết nối giao thương và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, các tiềm năng, lợi thế này vẫn chưa phát huy hiệu quả để thực sự đưa Cần Thơ phát triển trở thành đô thị hạt nhân liên kết và kết nối vùng. Phát triển kinh tế của thành phố này hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp; du lịch chưa tạo được sự đột phá. Ngoài ra, hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ là điểm nghẽn đối với sự phát triển của Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL.

Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL.

Trong những năm qua, Cần Thơ luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ với nhiều chính sách mang tầm chiến lược. Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy, tầm nhìn về phát triển TP Cần Thơ. Nghị quyết 59 đã đề ra mục tiêu phát triển Cần Thơ đến 2030 là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, ngụ quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cho biết, sau khi nghe thông tin tại kỳ họp bất thường lần thứ 1, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm về cơ chế đặc thù cho TP Cần Thơ, đây là điều mà bản thân bà cũng như người dân, cử tri Cần Thơ rất mong chờ. Vì Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là cơ hội để Cần Thơ bứt tốc, thu hút các nguồn lực đầu tư để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh đang bị lãng quên đưa Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững, thể hiện vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

“Để tạo điều kiện giúp Cần Thơ tăng tốc phát triển, cần những chính sách, cơ chế đặc thù, cơ chế về tài chính, cơ chế về đầu tư để cho thành phố Cần Thơ tăng tốc, phát triển xứng tầm với vị trí động lực phát triển của cả vùng”, bà Ngọc nói.

Ông Lê Nam Giới, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ sẽ giúp thành phố bứt phá, thu hút các nguồn lực để đầu tư vào các thế mạnh vốn chưa được giải quyết, việc thu hút đầu tư khi có cơ chế, chính sách đặc thù sẽ thuận lợi.

“Cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc vừa qua mà chưa xử lý được. Kỳ này Quốc hội có quyết định cơ chế đặc thù, tin tưởng rằng TP Cần Thơ sẽ phát triển đi lên và có tác dụng tích cực thúc đẩy cho vùng ĐBSCL phát triển”, ông Giới bày tỏ.

Theo PSG. TS. Nguyễn Chí Ngôn, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ, Cần Thơ nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối giao thông chưa đồng bộ đang là điểm nghẽn trong phát triển, kinh tế, xã của Cần Thơ cũng như vai trò kết nối vùng. Việc thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ sẽ giúp địa phương phát triển, tạo động lực cho toàn vùng trong nhiều lĩnh vực, nhất là dịch vụ logistics để từ đó phát huy thế mạnh về nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

“Cần Thơ cần phát huy logistics đường bộ vì đây là điểm mạnh hiện nay. Nếu như Cần Thơ có thể trở thành một trung tâm trung chuyển nông, thủy, hải sản của ĐBSCL, đây cũng là một thế mạnh TP Cần Thơ có thể phát huy được”, PSG. TS. Nguyễn Chí Ngôn cho biết.

Theo Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ sẽ là cơ hội không chỉ riêng của Cần Thơ mà cả khu vực ĐBSCL trong phát triển các tiềm năng, thế mạnh về thu hút đầu tư, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của vùng về nông nghiệp.

“Cơ chế cho Cần Thơ không phải chỉ Cần Thơ được hưởng mà nó có sự tác động đến các địa phương trong khu vực. Cần quan tâm đến vấn đề rộng hơn ở góc độ Chính phủ và chắc chắn Chính phủ cũng nhìn nhận, trong các địa phương của cả nước cũng phải tìm ra những địa phương có thế mạnh riêng để có thể đưa các chính sách đặc thù cho các địa phương đó”, ông Phương nêu quan điểm.

Cơ chế đặc thù sẽ giúp Cần Thơ khẳng định đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL.

Mặc dù nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, nhưng thời gian qua Cần Thơ chưa thực sự phát huy các thế mạnh trong vai trò dẫn dắt về đầu tàu kinh tế. Tăng trưởng kinh tế của Cần Thơ ở mức khá, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế; chưa thực sự là trung tâm động lực của cả vùng; du lịch chưa tạo ra bước đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành và chưa xây dựng được các trung tâm liên kết sản xuất vùng.

Có một thực tế đều thấy rõ, điểm nghẽn lớn nhất đối với sự phát triển của Cần Thơ và vùng ĐBSCL trong thời gian dài vừa qua là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ đã khiến cho phát triển kinh tế, xã hội chưa đạt kỳ vọng như mong muốn, vấn đề liên kết vùng đang còn nhiều bấp cập.

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 1, Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ sẽ là đòn bẩy để địa phương trung tâm vùng vươn mình phát triển; thu hút các nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực vốn là thế mạnh, tiềm năng của Cần Thơ cũng như lan tỏa đến các địa phương trong vùng ĐBSCL. Để từ đó tạo sức bật, lan tỏa để cùng phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới, nhất là các thế mạnh của vùng ĐBSCL vẫn chưa được khai thác có hiệu quả./.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)