Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Để thị trường này phát triển ổn định, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển trọng tâm sang sản phẩm nhà ở bình dân. Điều này được kỳ vọng sẽ tăng nguồn cung nhà ở bình dân, mở ra cơ hội sở hữu nhà ở cho người có thu nhập thấp.
Dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông ở thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) đang hoàn thiện.
Khoảng 2 năm trở lại đây, phân khúc nhà ở bình dân (mức giá từ 25 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng/m²) tại thành phố Hồ Chí Minh gần như vắng bóng trên thị trường. Phần lớn nguồn cung nhà ở đều thuộc phân khúc trung cấp đến cao cấp (có giá bán từ 30 triệu đồng/m² trở lên). Trong khi đó, theo các chuyên gia, dù khan hiếm trên thị trường nhưng nhu cầu nhà ở bình dân luôn cao, đặc biệt tại các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa cao và đông dân như thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Tổng Giám đốc Kênh thông tin bất động sản (batdongsan.com.vn) Nguyễn Quốc Anh nhận định, việc phân khúc nhà ở bình dân sẽ quay trở lại và giữ vai trò trụ cột đối với nguồn cung nhà ở trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng.
Số liệu ghi nhận từ kênh batdongsan.com.vn cho thấy, nhà ở bình dân và trung cấp nhận được sự quan tâm nhiều nhất của người tiêu dùng. "Những dự án nhà ở bình dân phát triển mới sẽ tập trung tại các quận, huyện vùng ven, xa trung tâm. Vì thế, người mua nhà phải chấp nhận sống xa trung tâm hơn, giao thông chưa được thuận lợi và các tiện ích dịch vụ chưa thể hoàn thiện ngay", ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Đồng tình với nhận định trên, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và tư vấn phát triển (CBRE Việt Nam) Nguyễn Hoài An nhận định thêm, với tốc độ đô thị hóa cao tại khu vực vùng ven cùng nhiều dự án hạ tầng giao thông đang được xây dựng, nhà ở bình dân tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ xa trung tâm hơn nhưng vẫn sẽ đáp ứng cơ bản các điều kiện về “an cư” cho người mua.
Về phía người dân, anh Phạm Minh Phương (ở trọ tại phường 8, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Sở hữu được căn nhà ở thành phố Hồ Chí Minh là ước mơ của nhiều người lao động, trong đó có gia đình tôi. Tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà ở bình dân để tăng nguồn cung, tạo cơ hội cho nhiều người hiện thực hóa ước mơ có được nhà ở”.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Đông (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh) Ngô Quang Phúc, để đầu tư nhà ở bình dân, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước hỗ trợ quỹ đất và cắt giảm thủ tục đầu tư dự án. Nếu đáp ứng được hai yếu tố trên sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà ở bình dân hơn. Qua đó, giúp khai thông thị trường bất động sản, cân bằng cán cân cung - cầu, giá cả cũng cạnh tranh hơn.
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2030, thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển thêm khoảng 47 triệu mét vuông sàn nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu của 2 triệu người tăng thêm tại thành phố. Trong khi đó, có tới 75% người lao động tại thành phố là người thu nhập thấp và phần lớn họ chưa có nhà ở. Nhằm đáp ứng nhu cầu rất lớn này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ khuyến khích phát triển nhà ở tại thành phố Thủ Đức và 3 quận nội thành phát triển mới là quận 7, 12 và Bình Tân. Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở xã hội để phục vụ đối tượng đa phần có thu nhập chưa cao. Đối với 5 huyện (Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ), thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên đầu tư phát triển nhà ở bình dân phục vụ người có thu nhập thấp.
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở bình dân, thành phố Hồ Chí Minh sẽ rà soát quỹ đất, ưu tiên bố trí đất sạch với các chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất; đồng thời cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục đầu tư. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, một trong những quan điểm phát triển nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh là đáp ứng nhu cầu dân số tăng thêm hằng năm mà phần lớn là công nhân, người lao động có thu nhập thấp; phát triển nhà ở gắn với mục tiêu an sinh xã hội; từng bước giải quyết căn cơ về nhu cầu nhà ở tại thành phố.