Những năm qua, cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao... tỉnh Ninh Thuận quan tâm đầu tư phát triển các khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) tạo động lực phát triển kinh tế.
Điểm nhấn khu đô thị mới Đông Bắc
Được khởi công từ năm 2013, với diện tích 60 ha, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng, đến nay KĐT mới Đông Bắc (K1) do Công ty Cổ phần Thành Đông Ninh Thuận (Công ty) làm chủ đầu tư đã đáp ứng được kỳ vọng tạo diện mạo mới cho độ thị Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Với quy hoạch, thiết kế, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, KĐT mới K1 trở thành khu vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. Tính đến tháng 3-2021, có hơn 800 hộ dân chuyển đến sinh sống, ổn định tại khu vực này. Không chỉ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, sự hình thành của KĐT mới K1 còn kéo theo hàng loạt các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách của tỉnh.
Khu tòa nhà hỗn hợp Hacom Mall nằm trong Khu đô thị Đông Bắc đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: Trần Duy
Hiện nay, tại KĐT mới K1, Công ty tiếp tục triển khai 2 dự án thành phần quan trọng, đó là Dự án nhà ở xã hội Hacom GalaCity dành cho người có thu nhập thấp với tổng mức đầu tư hơn 560 tỷ đồng, quy mô 4 tòa nhà. Dự án gồm 848 căn hộ, dự kiến hoàn thành trong quý III-2021, khi đi vào hoạt động sẽ phục vụ nơi ở cho 3.000 người. Bên cạnh đó, công trình nhà tòa nhà hỗn hợp Hacom Mall phân khúc nhà ở dành cho người thu nhập cao với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, quy mô diện tích hơn 7,2 ha, với 528 căn hộ cao cấp bên trong 2 tòa tháp cao 23 và 25 tầng cùng với 146 căn hộ shophouse đang được Công ty đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2022. Ngoài căn hộ, 2 dự án này còn được đầu tư hạ tầng cơ sở bài bản từ trung tâm thương mại, trường học, công viên, hồ nước, phố đi bộ, dịch vụ kinh doanh quốc tế... Ông Nguyễn Tiến Nghị, Giám đốc Công ty chia sẻ: Chúng tôi mong rằng, với sự góp mặt của 2 dự án thành phần này, trong tương lai không xa, diện mạo đô thị Phan Rang - Tháp Chàm sẽ được nâng tầm. Nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ mới mang tính chất phi nông nghiệp sẽ được hình thành tạo động lực phát triển kinh tế cho Tp. Phan Rang - Tháp Chàm nói riêng và tỉnh nhà nói chung.
Cân nhắc lựa chọn để phát triển
Phát triển đô thị gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành nền kinh tế đô thị. Với tầm nhìn đó, tháng 8-2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 330/QĐ-UBND về việc phê duyệt khu vực phát triển đô thị đến năm 2020 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phê duyệt 64 dự án KĐT, KDC phủ khắp địa bàn 7 huyện, thành phố.
Khu đô thị Đông Bắc tạo động lực phát triển kinh tế.
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm được xác định là KĐT trung tâm được chấp nhận phê duyệt 41 dự án KĐT mới và KDC xen lẫn KDC hiện hữu; tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư các KĐT du lịch, ven biển, ven Sông Dinh và khu vực trung tâm thành phố. Với vai trò là trung tâm kinh tế biển của tỉnh, huyện Ninh Hải được chấp thuận phê duyệt 7 KĐT mới và 2 KDC nằm xen các KDC hiện hữu; ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển đô thị tại các khu vực ven biển, Vĩnh Hy, Đầm Nại, trung tâm thị trấn Khánh Hải và xã Thanh Hải. Các huyện Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Thuận Bắc mỗi huyện được phê duyệt 3 dự án gắn với làng nghề, khu công nghiệp, khu vực ven biển. Huyện Bác Ái được phê duyệt 2 dự án nhằm thu hút hình thành KDC mới. Đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 12 dự án KĐT, KDC và đang tiếp tục kêu gọi, hoàn thiện hồ sơ và chấp thuận chủ trương đầu tư với nhiều KĐT, KDC còn lại.
Song song với công tác quy hoạch, thời gian qua, tỉnh còn tập trung xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; tăng cường chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản; thực hiện công bố công khai hiện trạng đầu tư và tình hình cho phép chuyển nhượng, kinh doanh sản phẩm bất động sản của các dự án KĐT, KDC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tiến độ thi công, các yếu tố đảm bảo hạ tầng kỹ thuật các KĐT, KDC đã được cấp phép.
Để phát triển kinh tế đô thị, điều kiện cần thiết là đảm bảo sự phát triển hài hòa, đồng bộ giữa số lượng, chất lượng các KĐT, KDC. Nhiệm vụ đặt ra cho các cấp, các ngành trong thời gian tới, đó là: Cần phải nâng cao hơn nữa năng lực và tư duy quản lý đô thị; nâng cao năng lực công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị; đổi mới mô hình phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng, ách tắc giao thông; chú trọng nâng cao chất lượng đô thị, phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng. Đặc biệt, trong điều kiện có nhiều nhà đầu tư mong muốn được tham gia đầu tư phát triển các KĐT, KDC trên địa bàn tỉnh thì vấn đề thẩm định, cân nhắc, lựa chọn kỹ càng năng lực nhà đầu tư là yếu tố hết sức cần thiết, đảm bảo dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật...