Vượt qua áp lực 4.0: Chính sách, pháp luật đã có, vấn đề là tổ chức thực hiện

Thứ năm, 17/06/2021 15:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Theo ILO, Việt Nam được xác định là quốc gia có nguy cơ phải chịu rủi do cao về mất việc làm khi áp dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI), robot trong các lĩnh vực may mặc, bán lẻ, nông nghiệp... Trong thập kỷ tới, ước tính khoảng 70% việc làm ở Việt Nam có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. Trước những áp lực đó, Việt Nam phải làm gì?

Việc kết hợp giữa con người và máy móc là giải pháp tốt và phù hợp trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. 

“Đồng hành” với máy móc có trí tuệ và robot

Nhân loại đã bước vào kỷ nguyên phát triển và áp dụng kỹ thuật số, điều này đang làm thay đổi phương thức sản xuất, tác động rất mạnh đến việc làm và cơ cấu việc làm của nền kinh tế đòi hỏi chính phủ, các nhà quản lý kinh tế và quản trị doanh nghiệp phải thay đổi tư duy mạnh mẽ, sâu sắc, khẩn trương hành động để tạo dựng lực lượng lao động phù hợp với tiến trình phát triển và áp dụng kỹ thuật số. 

Theo nhận định của nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Lawrence Summers: “Thách thức về kinh tế trong tương lai không phải là sản xuất đủ hàng hoá, mà chính là tạo đủ việc làm tốt cho người lao động”. Cách tốt nhất để xử lý tác động nghịch của “máy móc có trí tuệ và robot” lấy đi việc làm của con người là cùng đồng hành hơn là chống lại chúng.

Việc kết hợp giữa con người và máy móc với mục đích bổ sung thế mạnh và khắc phục điểm yếu cho nhau có lẽ là giải pháp tốt và phù hợp trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. 

Đổi mới tư duy, chủ động nhập cuộc

Không nằm ngoài dòng chảy đó, với sự nhạy bén nắm bắt, phân tích xu hướng phát triển kinh tế xã hội trong nước và quốc tế trong thập kỷ 2021-2030, Đảng và Chính phủ xác định rõ quan điểm phát triển đất nước nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Theo đó, chúng phải đổi mới tư duy hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với nhiều nội dung chỉ đạo công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi của đất nước trong tiến trình áp dụng kỹ thuật số.

Đặc biệt, ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với đầy đủ các nội dung và điều kiện để các Bộ, ngành triển khai thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. 

Những tiến bộ đáng kể trong ứng dụng AI, robot

Về điều kiện đẩy mạnh chuyển đổi số, Việt Nam đang trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với số liệu của năm 2020 tỷ lệ dân số từ 15 – 64 tuổi chiếm 67,8%.

Nước ta là một trong 20 quốc gia sử dụng Internet cao nhất thế giới, với tỷ lệ người sử dụng khoảng 70%, trong khi đó trung bình trên thế giới khoảng 51%; số người dùng Internet mới tăng 41%, cao nhất trong khu vực.

Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam chiếm trên 45% dân số, xếp thứ 15 trong các quốc gia có lượng người dùng điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Số lượng thuê bao 3G hoặc 4G chiếm 53% người dùng điện thoại thông minh.

Trong lĩnh vực ứng dụng AI và robot nước ta cũng có những tiến bộ đáng kể. Vừa qua, Học viện kỹ thuật quân sự đã nghiên cứu và đưa vào sử dụng thành công robot mang tên Vibot 2 trong lĩnh vực y tế thay thế nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân trong đại dịch COVID-19. Tập đoàn Công nghệ FPT đang đưa vào thử nghiệm xe không người lái sử dụng AI… 

Yếu tố con người quyết định thành bại

Tuy vậy, việc phát triển và ứng dụng kỹ thuật số ở nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Số liệu năm 2020 phản ánh, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm tới 33,06% tổng số lao động có việc làm của nền kinh tế; tỷ lệ này của khu vực công nghiệp và xây dựng là 30,8%.

Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo có cấp chứng chỉ còn thấp chỉ đạt 23,6%, trong đó khu vực nông nghiệp chỉ là 4,6%. 

Yếu tố con người quyết định sự thành bại trong thực hiện các quan điểm, mục tiêu và giải pháp phát triển đất nước nói chung, đặc biệt trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao về kỹ thuật số của nước ta rất hạn chế cả về chất và lượng.

Hiện nay nước ta đang thiếu ít nhất khoảng 400 nghìn người có trình độ và kỹ năng thực hiện quá trình chuyển đổi số. Chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước.

Số liệu từ khảo sát gần đây của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho thấy, có tới 70% sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin phải đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, riêng đối với lĩnh vực lập trình máy tính thì tỷ lệ này là 80%. 

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam được xác định là quốc gia có nguy cơ phải chịu rủi do cao về mất việc làm khi áp dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và robot trong các lĩnh vực may mặc, bán lẻ, nông nghiệp... Trong thập kỷ tới, với tác động của trí tuệ nhân tạo, ước tính khoảng 70% việc làm ở Việt Nam có nguy cơ bị thay thế bởi tự động hóa. 

Việc làm luôn là chủ đề mang tính thời sự đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Giải quyết đủ việc làm cho người lao động trong bối cảnh thực hiện cách mạng công nghệ lần thứ tư đồng nghĩa với xây dựng đất nước giàu mạnh về kinh tế, xã hội  ổn định và thịnh vượng, người dân có cuộc sống hạnh phúc.

Chính sách, pháp luật đã có, vấn đề là thực hiện

Để Việt Nam hòa nhập cùng dòng chảy phát triển với các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, môi trường pháp lý về xây dựng kinh tế số, xã hội số của Việt Nam đã có, vấn đề là tổ chức triển khai thực hiện.

Theo đó, Chính phủ và đặc biệt Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, sát sao chỉ đạo, gắn trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII, thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 và Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, cần nghiên cứu, đổi mới chính sách tài khóa phù hợp để khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ mới; đổi mới chi tiêu công để có đủ kinh phí hỗ trợ và thực hiện đổi mới công nghệ; hỗ trợ việc làm mang lại năng xuất cao; bảo trợ xã hội và hỗ trợ việc học tập suốt đời nâng cao năng lực của lực lượng lao động. 

Ưu tiên hàng đầu cho đổi mới giáo dục, đào tạo

Ứng dụng công nghệ nói chung và ứng dụng kỹ thuật số nói riêng sẽ dẫn tới mọi ngành nghề, việc làm đòi hỏi tri thức công nghệ mới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới giáo dục và đào tạo từ tiểu học tới trung học, đại học và hệ thống dạy nghề tập trung vào việc tạo ra nhiều con người mới, có kỹ năng kỹ thuật mới, đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng của tất cả các ngành và lĩnh vực trong từng giai đoạn.

Chính sách đào tạo kỹ năng phải đặt trong chiến lược nâng cao năng lực cung cấp việc làm cho tất cả các lĩnh vực và các công việc của nền kinh tế. Đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo phải là ưu tiên hàng đầu. Giáo dục và đào tạo là nền tảng căn bản nhất của đất nước, cũng là phương thức phòng thủ quốc gia tốt nhất. Một quốc gia không làm tốt giáo dục và đào tạo, quốc gia đó sẽ thất bại. 

Xây dựng và thực thi chính sách thị trường lao động tích cực, chủ động thực hiện phương châm học suốt đời và học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động đáp ứng đòi hỏi về nâng cao và bồi đắp kỹ năng lao động.

Đồng thời, cần dự báo sớm nhu cầu lao động đối với các loại kỹ năng nghề trong bối cảnh công nghệ kỹ thuật số thay đổi rất nhanh có tầm quan trọng đặc biệt và cũng là thách thức không nhỏ. 

Quan tâm tới nhóm lao động dễ bị tổn thương

Chính sách phát triển kỹ năng cần đặc biệt quan tâm tới lao động nữ, lao động nông thôn và lao động cao tuổi.

Chính phủ cần có mục tiêu và giải pháp cụ thể đối với nhóm lao động dễ bị tổn thương, ban hành chính sách và cơ chế hỗ trợ đối tượng có ít năng lực công nghệ số và không có khả năng tiếp cận kỹ thuật số để không làm gia tăng bất bình đẳng và đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi các loại dịch vụ công.

Tăng cường khả năng sử dụng và tiếp cận kỹ thuật số là điều kiện tiên quyết để chia sẻ lợi ích của phát triển và ứng dụng kỹ thuật số một cách công bằng hơn. 

Xây dựng và thực thi chính sách nhằm giảm khoảng cách về kỹ năng giữa các lĩnh vực và các nhóm lao động trong nền kinh tế. Đổi mới và ứng dụng kỹ thuật số sẽ thay đổi rất nhanh nhu cầu đối với lao động có kỹ năng. Để loại trừ khả năng tạo ra và nới rộng khoảng cách về kỹ năng, đồng thời đảm bảo cơ hội có việc làm cho người lao động trong độ tuổi, mỗi người lao động cần tham gia vào hệ thống học suốt đời.

Chủ động tham gia vào các tổ chức, hiệp hội đổi mới nhằm nắm bắt kịp thời những ý tưởng, chiến lược, kế hoạch nghiên cứu, áp dụng dịch vụ kỹ thuật số và khai thác hiệu quả lợi ích của việc hợp tác./.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)