Dự án vành đai 3, 4 – TP Hồ Chí Minh: Hạn chế sử dụng vốn ngân sách

Thứ hai, 17/05/2021 16:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 14/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với các bộ ngành, địa phương về dự án đường vành đai 3, 4 - TPHCM.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Tuyến đường vành đai 3 dài 89 km (đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An), quy mô từ 6-8 làn xe. Đến nay, mới chỉ có 16,3 km trên địa phận tỉnh Bình Dương được đưa  vào khai thác, chiếm 18,3% chiều dài toàn tuyến.

Đường vành đai 4 có chiều dài  hơn 197 km (đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu), quy mô từ 6-8 làn xe. Hiện giai đoạn 1, quy mô 4 làn xe mới đư vào khai thác 11 km, đoạn qua Khu CN VSIP IIA và Khu CN Mỹ Phước 3.

Đây là 2 tuyến đường quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Mặc dù được quy hoạch từ lâu và các địa phương đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư khép kín dự án vành đai 3 và triển khai đường vành đai 4, nhưng hiện tiến độ thực hiện được cho là quá chậm, điều này đã ảnh hưởng tới sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, theo tinh thần của Chính phủ, dự án qua địa phương nào, địa phương đó được giao là cơ quan thẩm quyền thực hiện dự án, từ giải phóng mặt bằng đến lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức triển khai. Bộ chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn thủ tục, đôn đốc thực hiện. Ngoài ra, với yêu cầu phải hoàn thành tuyến vành đai 3 trong năm 2025, các địa phương phải bắt tay ngay để triển khai. Với vành đai 4, tùy theo địa phương, có thể chậm hơn.

Liên quan đến nguồn vốn, các địa phương có tuyến đi qua chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách, tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư người dân. Liên quan đến hỗ trợ vốn ngân sách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ rất rõ là ngân sách Trung ương sẽ cân đối, hỗ trợ theo từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, để bảo đảm tiến độ, ngay từ bây giờ, các địa phương phải bắt tay tìm nguồn để triển khai xây dựng các khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật; tương tự, để khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường, các địa phương cũng phải triển khai điều chỉnh lại quy hoạch sử dụng đất…

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Nhằm bảo đảm đồng bộ trong triển khai hai dự án trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT làm đầu mối trong triển khai các phần việc liên quan. Ông Thống cũng cho rằng cần có ngay một lượng vốn lớn để triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư sớm. Việc này cần phải đi trước và liên quan đến cơ chế tài chính của các địa phương.

Liên quan đến Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn kiến nghị Văn phòng Chính phủ đưa vào thông báo kết luận cuộc họp hôm nay về việc giao cho Bộ phối hợp với các bộ, địa phương liên quan chuẩn bị Nghị quyết về dự án trình Quốc hội. Trong đó, nghị quyết cần quy định rõ cơ chế để có thể huy động vốn cả Trung ương, địa phương và các thành phần kinh tế cho triển khai dự án.

Cụ thể, theo ông Tuấn, do đây là dự án cấp Trung ương, trong khi Luật Ngân sách hiện quy định ngân sách cấp nào chỉ được chi cho dự án ở cấp đó, do vậy cần phải điều chỉnh để các địa phương có thể bỗ trí vốn triển khai.

Bên cạnh đó, HĐND các địa phương này cần được Quốc hội ủy quyền điều chỉnh quy hoạch trong phạm vi dự án; không phải xin ý kiến Thủ tướng chuyển đổi trên 10 ha đất lúa sang đất phi nông nghiệp; được phát hành trái phiếu địa phương và người mua ưu tiên Quỹ Bảo hiểm xã hội mua chỉ định với lãi suất tương đương lãi suất trái phiếu Chính phủ thời kỳ gần nhất, giúp các địa phương giảm thời gian đàm phán, phát hành…, nhanh chóng có nguồn vốn triển khai.

Cũng theo ông Tuấn, về cơ bản, toàn tuyến sẽ triển khai theo phương thức PPP, tuy nhiên, với tình huống địa phương không thể triển khai theo hướng PPP mà phải triển khai bằng vốn ngân sách nhưng do khó khăn không tự cân đối được thì Nghị quyết cần ghi rõ Trung ương sẽ hỗ trợ. Liên quan đến bảo trì, vận hành và thu phí dự án, đối với đầu tư PPP, giao cho nhà đầu tư thực hiện; với phần đầu tư bằng ngân sách, giao cho địa phương thực hiện.

Ngoài ra, các bộ có liên quan cần đưa vào những nội dung liên quan tới các dự án này khi xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng về xây dựng dự toán ngân sách kinh tế-xã hội năm 2022 và trong xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cũng cần rà soát để cập nhật trước khi trình Quốc hội tháng 7 tới đây.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương tham dự đều đồng tình, thống nhất với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến một số bộ liên quan đến cơ chế thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vốn nhằm đẩy nhanh việc triển khai dự án đường vành đai 3, 4.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc chậm triển khai các dự án giao thông tại khu vực, trong đó có các dự án đường vành đai 3, 4 thời gian qua đã làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của TPHCM và các địa phương trong vùng.

Theo Phó Thủ tướng, quan điểm giao thẩm quyền quyết định đầu tư về cho các địa phương, cùng với việc sớm có một Nghị quyết và nếu được Quốc hội thông qua để gỡ những vướng mắc, tạo cơ chế thực hiện là rất quan trọng để triển khai hai dự án này.

Với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu cần hết sức chủ động lựa chọn hình thức triển khai cũng như dự án nào sử dụng ngân sách mà không cần sự điều chỉnh quy định pháp luật hiện hành để có thể triển khai sớm. Cụ thể, đối với những đoạn ngắn nhưng quỹ đất hai bên đường còn nhiều, có thể huy động ngân sách địa phương để triển khai, sau đó đấu giá thu hồi vốn từ quỹ đất hai bên đường với giá cao mà không cần lựa chọn các hình thức BOT hay PPP. Đây là mô hình rất thành công từ một số địa phương trong nước thời gian qua.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án đối với sự phát triển của các tỉnh, thành phố khu vực và cả nước. Đây là khu vực có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước nhưng giao thông luôn tắc nghẽn. Do đó, nếu các dự án này sớm hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển mới và cùng với đó tái cấu trúc lại đô thị, dân cư của vùng.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, để đẩy nhanh, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương phải vào cuộc, phải chủ động, không trông chờ ngân sách Trung ương; chủ động bố trí ngân sách giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương triển khai; cùng với các địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến tạo vốn thực hiện, hướng chủ yếu là theo phương thức PPP, nếu không huy động được các hình thức mới tính đến việc dùng ngân sách. Với những tuyến đường quỹ đất còn ít, địa phương xem xét các dự án đã giao hai bên tuyến đường, nếu chậm triển khai thì dứt khoát thu hồi để dùng tạo vốn triển khai. Đồng thời, xem xét huy động các quỹ nhàn rỗi, quỹ dự trữ, quỹ bảo hiểm xã hội, ban hành trái phiếu công trình, vay ODA… để giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư cho người dân.

Với tuyến đường vành đai 4, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị cần tính toán, điều chỉnh hướng tuyến để tránh đi qua đất rừng, qua khu vực đô thị để giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, tính toán số làn đường, làm đường song hành, thực hiện quy hoạch hai bên phát triển đô thị, khu công nghiệp, khai thác quỹ đất hai bên đường để đấu giá thu vốn đầu tư dự án.

Trên tinh thần quyết tâm lớn, làm nhanh, tốc độ, quyết liệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu với tuyến đường vành đai 2, TPHCM phải hoàn thành trong năm 2022, tuyến đường vành đai 3 phải xong trước 2025 và vành đai 4 hoàn thành càng sớm càng tốt, không kéo dài đến 2030.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)