Hà Nội: Phát triển quận Hai Bà Trưng là đô thị thông minh, hiện đại

Thứ năm, 21/01/2021 14:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Quận Hai Bà Trưng được coi là một “cực tăng trưởng” của thành phố Hà Nội, định hướng phát triển theo hướng đô thị thông minh kiểu mẫu, xanh, hiện đại gắn với phát triển kinh tế đô thị.

Quang cảnh buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ với Quận ủy Hai Bà Trưng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 20/1, tại cuộc làm việc với Quận ủy Hai Bà Trưng về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quận Hai Bà Trưng có thể được coi là một “cực tăng trưởng” của thành phố với số thu ngân sách nhà nước lớn nhất trong các quận, huyện, thị xã.

Thành phố mong muốn thời gian tới, quận Hai Bà Trưng phải trở thành đô thị kiểu mẫu, một quận kiểu mẫu của thành phố. Mỗi phường phải trở thành phường tiêu biểu, mỗi đường phố phải trở thành đường phố tiêu biểu của Thủ đô.

Quận Hai Bà Trưng cần phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, xanh, hiện đại gắn với phát triển kinh tế đô thị.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu thảo luận các giải pháp để giúp quận quản lý tốt Công viên Thống Nhất, giải quyết dứt điểm các vấn đề để quản lý tốt Công viên Tuổi trẻ Thủ đô; phát huy hơn nữa ưu điểm của quận là đầu tàu, gương mẫu trong công tác giải phóng mặt bằng của thành phố.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quận Hai Bà Trưng là một trong 4 quận nội đô lịch sử nhưng có giao thoa 3 quy hoạch liên quan đến phân khu sông Hồng, nội đô lịch sử, các phường tiếp nhận từ nơi khác về.

Điều này tạo sự đa dạng cho quận Hai Bà Trưng nhưng cũng gây ra khó khăn, vướng mắc nhất định nếu phải điều chỉnh quy hoạch.

Trong nhiệm kỳ qua, quận Hai Bà Trưng đã có bước tiến vững chắc trên hầu hết các lĩnh vực, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, trong đó có 13 chỉ tiêu hoàn thành vượt định mức, 5 chỉ tiêu đi trước từ 1-2 năm.

Đặc biệt, năm 2020, quận duy trì tăng trưởng cao, góp phần vào tăng trưởng chung của toàn thành phố. Thu ngân sách đạt mức cao đạt 12.789 tỷ đồng (vượt 3,1% so với dự toán), góp phần giúp thành phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quận Hai Bà Trưng triển khai tích cực, không để phát sinh ổ dịch trên địa bàn.

Các hoạt động văn hóa, xã hội được quan tâm; an sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân được cải thiện, quận không còn hộ nghèo. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ hơn, bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp hơn.

Công tác quản lý quy hoạch được chú trọng; công tác đầu tư xây dựng quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, môi trường có chuyển biến, đặc biệt xuất sắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai đường vành đai 2 trên cao đảm bảo tiến độ, tạo thay đổi cho bộ mặt đô thị quận Hai Bà Trưng.

Đối với vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch tích hợp với từng phân khu, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị quận Hai Bà Trưng chủ động rà soát lại, xem định hướng phát triển 3 khu vực này trong gắn kết chung của quận để có đề xuất phù hợp.

Ngoài ra, tăng cường công tác chỉnh trang, phát triển đô thị để quận trở thành quận tiêu biểu, phường phải trở thành phường kiểu mẫu, mỗi đường phố phải trở thành đường phố văn minh và có sắc thái riêng.

Quận cần có kế hoạch chỉnh trang, hiện đại hóa từng tuyến phố, trong đó cần tính tới việc khai thác không gian ngầm cho bãi đỗ xe, công viên cây xanh, hầm chui…; quan tâm hơn đến quản lý đất đai, trật tự đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố tháo gỡ giải quyết ngay các vướng mắc để đất hoang hóa tại Nhà máy rượu 94 Lò Đúc, tại Nhà máy Dệt Kim Đông Xuân, phường Ngô Thì Nhậm…

Các sở, ngành chức năng rà soát lại, có phương án báo cáo thành phố giải quyết dứt điểm những tồn tại trên, tạo động lực phát triển cho quận Hai Bà Trưng.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng cho biết, những năm gần đây, kinh tế quận Hai Bà Trưng phát triển và chuyển dịch mạnh sang dịch vụ, thương mại. Doanh thu lĩnh vực thương mại, dịch vụ khu vực ngoài Nhà nước ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế quận.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Năm 2016, tỷ trọng dịch vụ chiếm 64,51% và đến năm 2019 chiếm 67,35% trong cơ cấu kinh tế của quận. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 12.789 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2016; thu ngân sách chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh nên tính bền vững cao.

Năm 2020, mặc dù rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, quận Hai Bà Trưng vẫn giữ mức tăng trưởng khá. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, đến nay không còn hộ nghèo.

Đảng bộ quận trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất; không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, không có điểm phức tạp về an ninh chính trị. Hạ tầng xã hội trên địa bàn quận khá phát triển với 7 trường đại học lớn, số lượng sinh viên rất lớn.

Theo ông Trần Quyết Thắng, trên địa bàn quận còn một số tồn tại như 10 phường phía Nam cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhiều ngõ ngách nhỏ, hẹp. Công tác quản lý trật tự văn minh đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Các khu tập thể cũ phần lớn đã xuống cấp, trong khi việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa còn nhiều khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách, về quy hoạch…

Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng nêu các đề xuất, kiến nghị với thành phố: Sớm kết luận thanh tra toàn diện công tác thực hiện dự án đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, trên cơ sở đó có hướng tháo gỡ; sớm triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Thanh Nhàn-Minh Khai, đẩy nhanh tiến độ dự án đường Ngô Thì Nhậm-Trần Khát Chân...

Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ kiểm định, đánh giá chất lượng để thành phố sớm xem xét, lập quy hoạch, triển khai đầu tư xây dựng lại các khu tập thể, chung cư cũ trên địa bàn.

Đặc biệt, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có một số khu đất được thành phố giao cho các nhà đầu tư từ nhiều năm nay, song vẫn chưa thực hiện như dự án xây dựng nhà tại dải đất Nam Đại Cồ Việt; để đất hoang hóa như dự án tại Nhà máy rượu 94 Lò Đúc; dự án tại Nhà máy Dệt kim Đông Xuân tại Ngô Thì Nhậm,... gây lãng phí đất đai và bức xúc trong nhân dân.

"Đề nghị thành phố cho kiểm tra, thúc đẩy các nhà đầu tư tích cực thực hiện hoặc thu hồi giao đơn vị khác thực hiện theo quy định," lãnh đạo quận Hai Bà Trưng kiến nghị./.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)