Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) hướng đến đô thị động lực

Thứ năm, 31/12/2020 14:29
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Với định hướng phát triển là đô thị hiện đại, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp; đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao..., Chân Mây - Lăng Cô (CM-LC) đang được quan tâm đầu tư trở thành đô thị động lực quan trọng của tỉnh.

Các dự án du lịch nghỉ dưỡng tầm cỡ được đầu tư ở Chân Mây - Lăng Cô

Khu kinh tế CM - LC với quy mô diện tích khoảng 27.108ha. Trong đó, có 5 khu chức năng chính là Khu cảng, Khu công nghiệp, Khu phi thuế quan, Khu đô thị và Khu du lịch.

Trong quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, CM-LC được định hướng phát triển thành đô thị loại III. UBND tỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Khu đô thị Chân Mây với tính chất phát triển là khu vực đô thị quan trọng của Khu kinh tế CM-LC.

Dự báo đến năm 2025, dân số đô thị Chân Mây khoảng trên 130 ngàn người, diện tích đất xây dựng đô thị hơn 3.439ha. Trong đó, đất ở biệt thự trên 246ha, đất ở liền kề hơn 230ha; đất chuyên dụng gồm công trình công cộng, công trình hành chính, thương mại, y tế, giáo dục, công trình phức hợp...trên 1.084ha. Riêng khu vực đô thị kết hợp khu công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao có tổng diện tích trên 1.344ha...

Đến nay, khu đô thị Chân Mây đã xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật 4 dự án (DA) tái định cư với tổng diện tích khoảng 125ha, khả năng bố trí cho khoảng 3.000 hộ dân. Khu đô thị cơ bản hoàn thiện các tuyến giao thông chính theo quy hoạch chung, với tổng chiều dài đường đô thị khoảng hơn 120km đường bộ, đáp ứng nhu cầu lưu thông và tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận triển khai DA. Hệ thống xử lý nước thải với công suất 10.000 m3/ngày đêm, bãi xử lý chất thải rắn tại xã Lộc Thủy, đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải và thu gom xử lý rác thải, chất thải rắn trên địa bàn đã đượcđưa vào hoạt động.

Dự án du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư ở Chân Mây - Lăng Cô

Theo tính chất xây dựng đô thị sinh thái, kết hợp phát triển khu công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao, đến nay, những điểm đến trong hệ thống suối thác gồm suối Tiên, suối Voi, thác Mơ… đã được khai thác và xây dựng thương hiệu. Ngoài Lăng Cô là Vịnh đẹp thế giới, biển Bình An, Cảnh Dương cũng được đánh giá thuộc “top” bãi biển đẹp của khu vực miền Trung. Khu vực này đang thu hút số lượng nhiều nhất các nhà đầu tư về dịch vụ nghỉ dưỡng biển. Trong đó, có thể kể đến như dự án Laguna Lăng Cô. Các khu du lịch nghỉ dưỡng biển Địa Trung Hải, Minh Viễn cũng đang được tiếp tục xây dựng.

Khu kinh tế CM-LC đến nay đã cấp phép đầu tư 49 DA, với vốn đầu tư đăng ký 81.915 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 1.940 ha. Trong đó, có 12 DA có vốn đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký khoảng 55.737 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất khoảng 540 ha. Nhiều nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư. Ban Quản lý KKT, CN tỉnh đang tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển DA đô thị, nhà ở, du lịch, bến container và các DA phụ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô, thiết bị điện tử... thuộc các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.

Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp cho hay, do định hướng phát triển công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường knên nhiều DN đến tìm cơ hội đầu tư, nhưng lĩnh vực sản xuất lại tác động đến môi trường, du lịch nên phải đi đầu tư ở nơi khác. Tuy nhiên, trong xu thế hiện nay và tương lai, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường là định hướng mà các quốc gia đang hướng đến. Đối với các DA này, CM-LC là nơi đầu tư lý tưởng, bởi nó sẽ hình thành khu công nghiệp sinh thái theo hướng toàn cầu.

Khoảng 2 năm trở lại, nhiều DA sản xuất công nghiệp quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, ít ảnh hưởng đến môi trường đã đến đầu tư. Cụ thể đến nay đã thu hút được 6 DA sản xuất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6.700 tỷ đồng, trong đó có một số DA lớn, dự kiến đóng góp nhiều cho ngân sách như 2 DA sản xuất lắp ráp ô tô, DA sản xuất phụ kiện ô tô Nakamoto, DA sản xuất đồ chơi Billion Max, DA dệt tất Sunjin, DA gia công thạch anh cung cấp cho ngành điện tử...

Ông Lê Văn Tuệ cho rằng, khi công nghiệp phát triển mà vẫn đảm bảo yếu tố môi trường, lúc đó công nghiệp sạch còn là động lực để du lịch phát triển. Ngược lại, du lịch phát triển càng tạo ra sự năng động, giúp thu hút thêm nhiều đầu tư mới.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Mạnh, để góp phần hỗ trợ tích cực việc xây dựng, phát triển đô thị Chân Mây theo đúng định hướng quy hoạch, UBND huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư triển khai thực hiện DA. Trong đó, quan tâm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là các DA có quy mô lớn như DA Laguna giai đoạn 2, DA Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn, DA Khu liên hợp sản xuất, lắp rắp Kim Long Motors Huế...đồng thời, phối hợp tăng cường quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường, trật tự xây dựng, góp phần đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững đô thị trong tương lai.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)