UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Quyết định điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030. Đây là cơ sở để định hướng xử lý chất thải rắn trong thời gian tới.
Quy hoạch 19 cơ sở xử lý
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện nay, với quy mô dân số toàn tỉnh hơn 1,2 triệu người, lượng chất thải sinh hoạt hàng ngày hơn 1.000 tấn. Dự báo đến năm 2025 và 2030, lượng chất thải tương ứng gần 1.500 tấn/ngày và gần 2.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (hợp vệ sinh hay không hợp vệ sinh) đều đã quá tải.
Bãi rác Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh.
Để giải quyết các khó khăn hiện tại về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và hướng tới xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn tổng hợp bền vững, toàn tỉnh đã quy hoạch 19 cơ sở xử lý chất thải rắn. Trong đó, có 13 bãi chôn lấp, gồm: 2 bãi tại Lương Hòa (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) chôn lấp tro bay 4,7ha và tro đáy 17,5ha; 1 bãi (2,5ha) tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh; 2 bãi tại thị xã Ninh Hòa (xã Ninh An 10ha, xã Ninh Xuân 5,7ha); 2 bãi tại huyện Cam Lâm (Dốc Đỏ 3,6ha, Khánh Thành Nam 50ha); 2 bãi (1,4ha và 2,5ha) tại xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh; 1 bãi (1,4ha) tại thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh; 1 bãi (3,6ha) tại Hòn Ngang, huyện Diên Khánh; 2 bãi (0,3ha và 0,8ha) tại Hòn Dung, Sơn Trung, huyện Khánh Sơn. Ngoài ra có 6 cơ sở xử lý trung gian hay nhà máy xử lý rác ở: Lương Hòa, Nha Trang công suất 1.500 tấn/ngày; Cam Thịnh Đông, Cam Ranh 150 tấn/ngày; Ninh Xuân, Ninh Hòa 250 tấn/ngày; Cam Tân, Cam Lâm 100 tấn/ngày; Suối Hàng, Vạn Ninh 100 tấn/ngày; Hòn Ngang, Diên Khánh 150 tấn/ngày. Các cơ sở này sẽ được xây dựng vào giai đoạn 2023 - 2024. Dự kiến, tổng kinh phí toàn bộ chương trình quản lý chất thải rắn hơn 5.400 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, kế hoạch kiểm soát chất thải phát sinh bao gồm cả phân loại rác thải tại nguồn; sản xuất phân hữu cơ dựa vào cộng đồng (những khu vực nông thôn khó thu gom và có tiềm năng sử dụng phân hữu cơ); hình thành các trung tâm tiếp nhận chất thải nguy hại đô thị. Trong tương lai, khi các cơ sở lò đốt thu hồi năng lượng đi vào vận hành, các chương trình phân loại rác tại nguồn tập trung cho chất thải không đốt được trong lò đốt sẽ được triển khai. Các địa phương sẽ áp dụng cơ sở xử lý trung gian, cụ thể như các lò đốt thu hồi năng lượng và các cơ sở xử lý bằng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu khối lượng chất thải tại các bãi chôn lấp. 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh áp dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, chất thải từ các đảo được tiếp tục xử lý phù hợp thông qua sử dụng các cơ sở có sẵn như trạm trung chuyển, bãi chôn lấp.
Mở rộng bãi rác Dốc Đỏ
Lâu nay, huyện Cam Lâm đã nhiều lần đề nghị tỉnh cho phép bố trí bãi chôn lấp tại thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát để thay thế bãi rác Dốc Đỏ đã quá tải. Tuy nhiên, căn cứ quyết định điều chỉnh Quy hoạch chất thải rắn đến năm 2030 tỉnh Khánh Hòa, bãi rác Dốc Đỏ không đóng cửa mà tiếp tục mở rộng với diện tích 3,6ha, quy mô 300.000m3 vận hành vào năm 2022; đồng thời, đầu tư xây dựng thêm bãi chôn lấp tại thôn Khánh Thành Nam, diện tích dưới 50ha và đầu tư nhà máy xử lý rác tại xã Cam Tân, diện tích 4ha.
Mới đây, UBND TP. Nha Trang có văn bản trình UBND tỉnh đề xuất xây dựng Khu hạ tầng đầu mối kỹ thuật TP. Nha Trang, bao gồm: Khu xử lý rác, khu xử lý phế thải xây dựng, khu xử lý bùn nạo vét, vườn ươm thành phố… Bởi lẽ, trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2025 chưa có quy hoạch vấn đề này. Thành phố cho rằng, việc thành lập phân khu hạ tầng này sẽ là cơ sở quy hoạch ngành liên quan như: Khu xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt; mở rộng nghĩa trang phía bắc khi chưa hình thành nghĩa trang liên huyện… Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết đang giao các phòng, ban chức năng của sở nghiên cứu, tham mưu.