Cần Thơ mong muốn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cao thích nghi với biến đổi khí hậu từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.
Lãnh đạo thành phố Cần Thơ tiếp và làm việc với Đại sứ Pier Giorgio Aliberti. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Chiều 23/11, lãnh đạo thành phố Cần Thơ có buổi tiếp và làm việc với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, do Đại sứ Pier Giorgio Aliberti làm trưởng đoàn. Hai bên đã trao đổi và đề xuất mong muốn được hợp tác đa phương trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang phải đối mặt với tình trạng ngày càng diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu; trong đó nặng nhất là các hiện tượng ngập lụt, xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở... Do đó, Cần Thơ mong muốn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ cao thích nghi với biến đổi khí hậu từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, thành phố cũng tìm kiếm, thúc đẩy các cơ hội hợp tác với Liên minh châu Âu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế và giáo dục, thông qua các chương trình nghiên cứu, tu nghiệp...
Đại sứ Pier Giorgio Aliberti cam kết, trên cương vị công tác của mình, ông sẽ làm cầu nối thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác thiết thực nhất giữa các quốc gia thành viên trong Liên minh châu Âu với Cần Thơ, đặc biệt là trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu bằng những giải pháp công nghệ cao là ưu thế của một số quốc gia thành viên và sẽ là tiền đề thuận lợi để các bên hợp tác.
Đơn cử, Hà Lan là quốc gia có vị trí địa lý thấp hơn mực nước biển, nhưng có nhiều giải pháp khoa học hiện đại để thích ứng với ngập lụt và phát triển quốc gia. Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng sẽ học hỏi được rất nhiều bài học thực tiễn quý giá từ đất nước này.
Đại sứ Pier Giorgio Aliberti cũng nhắc đến Hiệp định tự do mậu dịch EU-Việt Nam mới được thông qua trong tháng 8/2020. Đây là cơ hội để các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh giao thương với EU trong các lĩnh vực thế mạnh của mình như thủy-hải sản, nông sản...
Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 85 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 752,43 triệu USD; trong đó có 8 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu với tổng vốn đầu tư đăng ký 73,08 triệu USD./.