Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Bốn nhiệm vụ trọng tâm sau bão số 9

Thứ hai, 02/11/2020 13:47
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Tại phiên họp Chính phủ vừa khai mạc ngày 30/10, theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có báo cáo ngắn gọn về tình hình ứng phó thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng báo cáo làm rõ thêm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng báo cáo về tình hình ứng phó với thiên tai tại các tỉnh miền Trung - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Yêu cầu nước sôi lửa bỏng vì các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi… chìm đắm trong nước lũ, nhà cửa hư hỏng nặng nề, nhiều học sinh nghỉ học, đi lại vô cùng khó khăn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, vừa có chuyến công tác nhiều ngày liên tục tại các tỉnh miền Trung để chỉ đạo ứng phó bão số 9.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ứng phó bão số 9, Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo; Ban Chỉ đạo quốc gia tập trung, quyết liệt huy động lực lượng, sự vào cuộc tích cực đồng bộ của các cơ quan liên quan, sự cố gắng và tinh thần 4 tại chỗ của các địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nên đã đáp ứng được yêu cầu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

“Ví dụ sơ tán người dân đến nhà văn hóa, công trình rất bền vững về kết cấu nhưng cửa kính không an toàn, bị va đập trong bão thì hết sức nguy hiểm, nhất là khi có nhiều phụ nữ và trẻ em, nên chúng tôi đã yêu cầu di chuyển sang nơi khác ngay”, Phó Thủ tướng thông tin về công tác chỉ đạo sơ tán người dân.

Do đó, đã giảm thiểu được thiệt hại về người, đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng vũ trang, các cơ quan, tinh thần chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, cơn bão đi quá nhanh với cấp độ rất mạnh nên đã gây hậu quả rất lớn. Đến nay, đã có 230 người chết, mất tích do mưa lũ, sạt lở đất và do người dân gặp sự cố trên biển, như 2 tàu của Bình Định bị chìm trên biển do chết máy. Bên cạnh đó, chúng ta đã cứu được với 14 người trên một tàu khác cũng bị chết máy.

“Mưa bão là kẻ thù đối mặt, còn sạt lở đất là kẻ thù không biết xuất hiện lúc nào, do đó ứng phó vô cùng khó khăn, nên thiệt hại sau bão là vô cùng lớn, không chỉ ở miền Trung mà các tỉnh trung du miền núi phía Bắc cũng như vậy”, Phó Thủ tướng nhận định về các sự cố do sạt lở đất.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo thêm tại phiên họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hiện, các lực lượng đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung một số công việc.

Việc đầu tiên là tiếp tục tìm kiếm người mất tích, hiện công tác này đang được tập trung quyết liệt ở Quảng Nam, đặc biệt là ở huyện Nam Trà My. Tại xã Trà Leng, theo thông tin mới nhất, còn 16 người đang mất tích.

Thứ hai, hỗ trợ người dân gặp khó khăn, trước hết là sửa chữa nhà cửa với hàng chục nghìn ngôi nhà hư hỏng, tất cả nhà cấp 4 bị bay mái; hỗ trợ lương thực thực phẩm thuốc men. Cùng với đó, khắc phục hậu quả sau cơn bão, sửa chữa hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, giao thông, công trình trường học, bệnh viện, công sở, các công trình dịch vụ…

Thứ ba, tập trung ứng phó với bão lũ, cả cơn bão sắp tới, lũ đang lên ở miền Trung. Rà soát tất cả khu vực nguy hiểm để sơ tán dân, mặc dù ta có bản đồ tổng thể nhưng chưa có chi tiết từng xã, cần tiếp tục đầu tư cho việc này.

Thứ tư, tập trung phục hồi sản xuất, đây là nhiệm vụ thường xuyên, trong đó có vấn đề hỗ trợ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tiếp tục tổng hợp yêu cầu của các địa phương để Thủ tướng Chính phủ có quyết sách phù hợp hỗ trợ khôi phục các hạ tầng thiết yếu nhất, phục hồi sản xuất…

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tháng 10 với 5 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới là hiện tượng dị thường chưa từng có trong lịch sử. Cụ thể, tất cả các cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ dồn vào miền Trung. Lượng mưa lên tới 3.500 mm ở nhiều nơi.

Bão số 9 là một trong hai cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, cùng với bão Xangsane năm 2006, thậm chí về tốc độ gió thì bão số 9 là lịch sử. Bão đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí lớn hơn cả bão Xangsane về tài sản, vì tuy cùng cường độ nhưng bão số 9 đổ vào miền Trung là nơi lũ chồng lũ bão chồng bão trong thời gian dài nên sức chịu đựng kém.

Cùng với đó, từ khi bão hình thành đến khi vào bờ chỉ có 3 ngày. Về công tác ứng phó, ngay sau khi bão hình thành ngoài khơi Thái Bình Dương, chưa vào Biển Đông, Thủ tướng đã có chỉ đạo ứng phó. Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị Công điện ngay, do đó khi bão vào Biển Đông lúc 9h sáng ngày 26/10 thì ngay lập tức đã ban hành Công điện ứng phó. Cùng thời điểm, chúng ta đã phát tin bão khẩn cấp chứ không đợi tới khi bão gần bờ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là những việc chưa từng có tiền lệ.

Thủ tướng cũng thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng làm Trưởng Ban. Cũng trong sáng 26/10, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập hai cuộc họp, trong đó có 1 cuộc họp trực tuyến với 6 địa phương thuộc phạm vi ảnh hưởng dự kiến của bão. Chúng ta cũng ngay lập tức công bố rủi ro thiên tai cấp độ 4. “Tinh thần chỉ đạo với ý thức rất đặc biệt như vậy”, Bộ trưởng nhấn mạnh và nhắc tới những con số như huy động hơn 90.000 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, cùng với lực lượng xung kích, đưa hàng chục nghìn tàu cá vào nơi tránh trú, di dời 118.000 lồng bè nuôi thủy sản, bảo đảm an toàn cho 2.700 hồ không có sự cố dù 13 lưu vực sông có lũ trên báo động 3.

“Người dân rất đồng lòng, nhiều nơi không có một ai đi ra đường, chấp hành kỷ cương rất tốt. Nhưng cơn bão quá mạnh, hoành hành 6-8 giờ đồng hồ, nên thiệt hại rất lớn”, Bộ trưởng nói. Hiện đã có phong trào sâu rộng trên cả nước ủng hộ, chia sẻ với miền Trung, Bộ trưởng cho biết sẽ có báo cáo cụ thể về các nhóm giải pháp mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nêu.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)