Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Những can thiệp có tính hành chính, áp đặt chủ quan, không am hiểu chuyên vào hoạt động chuyên môn dễ dẫn tới ảnh hưởng, thậm chí phá hỏng giá trị của tác phẩm kiến trúc. Ảnh: VGP/Đình Nam
Sáng 26/9, tại Hà Nội, Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Đại hội.
Ngay từ năm 1948, với tầm nhìn chiến lược, sáng suốt và niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi, Bác Hồ đã chủ trương tập hợp các kiến trúc sư thành một tổ chức để phục vụ kháng chiến và chuẩn bị cho công cuộc tái thiết nước nhà sau khi kháng chiến thành công.
Hơn 70 năm qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đội ngũ kiến trúc sư cả nước đã có những góp quan trọng và ghi dấu ấn đậm nét vào từng chặng đường phát triển của đất nước.
Hình thành xu hướng kiến trúc hiện đại, xanh, bền vững
Gần 850 thành phố, đô thị lớn nhỏ được hình thành khắp cả nước. Hàng trăm khu đô thị mới được xây dựng với nhiều công nghệ tiên tiến tiếp cận trình độ quốc tế. Diện mạo nông thôn từ miền núi tới miền xuôi, từ biên giới tới hải đảo cũng ngày càng tươi mới với hàng triệu công trình xây dựng mới. Nhiều công trình kiến trúc lớn, tầm vóc tạo được điểm nhấn được giới chuyên môn, bè bạn quốc tế đánh giá cao.
Kiến trúc hiện đại tiếp tục được khẳng định và trở thành xu hướng chủ đạo. Kiến trúc thân thiện với môi trường, kiến trúc thông minh, kiến trúc vì cộng đồng… dần được định hình.
Chất lượng nghệ thuật kiến trúc của các công trình ngày càng được nâng cao, dần tiệm cận với các xu hướng và phong cách kiến trúc đương đại thế giới. Nhiều kiến trúc sư Việt Nam đã đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi kiến trúc trong khu vực và quốc tế. Có thể nói, Kiến trúc Việt Nam đã tiếp cận và từng bước hội nhập vững vàng cùng kiến trúc thế giới.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc ngày càng được chú trọng và có những bước tiến mới theo hướng chuyên nghiệp hơn. Nhận thức xã hội về bảo tồn đã có những thay đổi tích cực, vai trò của kiến trúc sư ngày càng được ghi nhận và đề cao.
Hạ tầng, kiến trúc các vùng nông thôn mới cũng dần bớt tính tự phát, được hình thành theo hướng hiện đại, xanh, bền vững gắn với phát triển sản xuất, kinh doanh đồng thời giữ giữ gìn bản sắc văn hóa và kiến trúc xóm làng truyền thống của người Việt.
Kế thừa những thành công và kinh nghiệm từ những nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tập hợp đội ngũ, sáng tác kiến trúc, bồi dưỡng nâng cao năng lực hành nghề, đến lý luận phê bình, phản biện xã hội và hợp tác quốc tế… tiếp tục khẳng định được vai trò và vị thế của mình. Đặc biệt, Hội đã chủ động, tích cực, trách nhiệm tham gia cùng các cơ quan nhà nước xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc. Và chắc chắn còn rất nhiều thành tích, tiến bộ, đóng góp mà tôi cũng không thể đề cập hết ở đây.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận những thành tựu và đóng góp to lớn của đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam, của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong suốt chặng đường phát triển và trong nhiệm kỳ vừa qua.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Nhận diện điểm tối trên diện mạo kiến trúc nước nhà
Phó Thủ tướng đã nêu lên những hạn chế, bất cập và cả những trăn trở, lo âu không chỉ của đội ngũ Kiến trúc sư mà cả của xã hội trước nhiều “khuyết tật” không khó để nhận ra trên diện mạo kiến trúc nước nhà.
Đó là xung đột giữa bảo tồn và phát triển chưa được chú trọng thật sự ở nhiều nơi. Nhiều thành phố, đô thị mở rộng rất nhanh nhưng manh mún, chắp vá, không đồng bộ, thiếu vắng không gian xanh, không gian cho hoạt động cộng đồng, đặc biệt là cho trẻ em và người cao tuổi.
Những công trình kiến trúc phô trương, và rất xa lạ với văn hóa dân tộc.
Những làng quê truyền thống bị phá hỏng bởi xu hướng đô thị hóa cưỡng bức. Những khu nhà ở cho công nhân, người lao động rất bất tiện về công năng, nhếch nhác về hình thức…
Dù có đã có những công trình, nhiều tác giả đạt giải về kiến trúc song, trên bình diện quốc tế, kiến trúc nước nhà vẫn chưa có nhiều những tác phẩm kiến trúc mang tầm cỡ, tầm vóc lớn, mang tính thời đại.
Đội ngũ kiến trúc sư phát triển nhanh chóng nhưng chưa định hình được thật rõ kiến trúc mang bản sắc Việt Nam trong thời kỳ hiện đại và hội nhập quốc tế. Công tác lý luận phê bình có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa làm tốt chức năng định hướng và nâng cao thẩm mỹ kiến trúc cho toàn xã hội.
“Chúng ta nhìn nhận những vấn đề đó với thái độ nghiêm túc, cầu thị và với niềm tin để từ đó có những giải pháp thiết thực giúp kiến trúc nước nhà có bước phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng chỉ riêng đội ngũ kiến trúc sư hay Hội Kiến trúc sư Việt Nam không thể xử lý, khắc phục được những tồn tại, bất cập đó. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống, của toàn xã hội. Nhưng hơn ai hết, Hội Kiến trúc sư, đội ngũ kiến trúc sư mang trách nhiệm là lực lượng, là tổ chức nòng cốt, tiên phong.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đất nước phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, thu hẹp khoảng cách với các nước, đồng thời phải chú trọng tới bảo vệ môi trường, tới các vấn đề xã hội, phát triển văn hóa, nghệ thuật.
Từ đó đặt ra những nhiệm vụ đồng thời cũng là điều kiện để đội ngũ kiến trúc sư cống hiến sức lực, tài năng của mình cho sự nghiệp chung, trực tiếp nhất cho phát triển kinh tế, đồng thời với phát triển văn học nghệ thuật.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Can thiệp, áp đặt sẽ triệt tiêu sáng tạo
Ban lãnh đạo Hội Kiến trúc sư phải là những đại diện xứng đáng, làm hạt nhân quy tụ đội ngũ kiến trúc sư cả nước, tăng cường phối hợp với các lực lượng, các tổ chức trong nước và quốc tế để giới kiến trúc, ngành kiến trúc hoàn thành sứ mệnh rất mực quan trọng trong thời kỳ mới.
Hoạt động sáng tạo của đội ngũ kiến trúc sư cần bám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sinh động, phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa của mỗi vùng miền. Đồng thời chú trọng định hướng kiến trúc xanh, kiến trúc hướng về cộng đồng; bảo tồn, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống đặc sắc; thúc đẩy lan toả tác phẩm kiến trúc có giá trị, xu hướng kiến trúc hiện đại.
Phó Thủ tướng chia sẻ quan điểm trên giác độ xây dựng kinh tế kỹ thuật, kiến trúc có những yêu cầu hết sức chặt chẽ, khắt khe. Trên giác độ nghệ thuật, kiến trúc nói riêng và hoạt động nghệ thuật nói chung rất cần được tạo môi trường, điều kiện thiết thực để năng lực, cảm hứng sáng tạo của từng cá nhân được khơi dậy, được bừng nở.
Để có những tác phẩm kiến trúc, những công trình có giá trị, làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc rất cần sự sức lực, trí tuệ, nguồn lực của tập thể, của nhiều người nhưng những ý tưởng mới mẻ, những sáng tạo đột phá luôn mang dấu ấn cá nhân cần được cổ vũ, tôn trọng, tôn vinh. Những can thiệp có tính hành chính, áp đặt chủ quan của người có quyền quyết định hoặc ảnh hưởng tới quyết định đầu tư, tới nguồn lực đầu tư nhưng lại không am hiểu chuyên vào hoạt động chuyên môn dễ dẫn tới ảnh hưởng, thậm chí phá hỏng giá trị của tác phẩm, làm triệt tiêu sáng tạo và cảm hứng nghệ thuật.
Phó Thủ tướng mong muốn Hội Kiến trúc sư Việt Nam cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tư vấn, phản biện, góp phần xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để kiến trúc nói riêng, văn hóa nghệ thuật, kinh tế-xã hội nói chung phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ kiến trúc sư nói riêng, đội ngũ trí thức nói chung phát triển, cống hiến cho đất nước bằng tất cả tài năng, trách nhiệm và tâm huyết.
Ban lãnh đạo Hội Kiến trúc Việt Nam nhiệm kỳ X ra mắt. Ảnh: VGP/Đình Nam
Đại hội Hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ X đã bầu Ban Chấp hành gồm 95 người, Chủ tịch Hội là Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc.