Tỉnh Yên Bái hiện đang đầu tư trên 41,5 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa nâng cấp 7 công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 2.339 hộ với gần 9.600 người ở khu vực nông thôn.
Công trình hồ Làng Át cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 10.000 khẩu thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên,
tỉnh Yên Bái được nâng cấp, xây dựng lại. (Ảnh: Đức Tưởng/TTXVN)
Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Yên Bái, tỉnh Yên Bái hiện có 352 công trình cấp nước tập trung, 97.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ đang hoạt động, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 600.000 người dân nông thôn, chiếm tỷ lệ 90%.
Dự kiến đến hết năm 2020, sẽ tăng lên thành 91% dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Ông Trần Anh Văn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy Lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, để đạt mục tiêu này, tỉnh Yên Bái hiện đang đầu tư trên 41,5 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa nâng cấp 7 công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho trên 2.339 hộ với gần 9.600 người ở khu vực nông thôn.
Đó là các công trình sửa chữa cấp nước thôn Trung tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên trị giá hơn 6,7 tỷ đồng để cấp nước cho 450 hộ dân.
Công trình cấp nước sinh hoạt xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn với tổng mức đầu tư trên 6,5 tỷ đồng cấp nước sinh hoạt cho 335 hộ dân. Công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên với tổng mức đầu tư 6,4 tỷ đồng cấp nước cho 320 hộ dân...
Cùng với đó, chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch sao cho hợp lý, sát thực tế từng vùng, từng địa phương và nhu cầu của người dân, công tác lập dự án cần tuân theo quy hoạch về cấp nước và vệ sinh môi trường trên toàn tỉnh và cần có các đánh giá tác động môi trường, cùng với Ủy ban Nhân dân các xã họp dân lấy ý kiến về địa điểm và quy mô xây dựng, gắn kết trách nhiệm của người dân trong việc xây dựng công trình.
Đồng thời, Chi cục cũng đa dạng hóa các loại hình cấp nước và vệ sinh môi trường cho phù hợp với từng vùng miền, ưu tiên đưa những giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới vào cấp nước tập trung như công nghệ lọc nhanh, lọc áp lực (đối với cấp nước vùng thấp có quy mô lớn và vừa), lọc chậm theo phương pháp lọc ngược tự xúc rửa bằng áp lực nước bể chứa (đối với cấp nước vùng cao và quy mô nhỏ), đấu nối đường ống bằng thiết bị đấu nối chế tạo của các nhà cung cấp thiết bị...
Ngoài ra, Chi cục còn tham mưu cho sở chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền quan tâm đến vấn đề nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt; đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo để tăng cường đội ngũ và hoàn thiện kỹ năng cho truyền thông viên ở cơ sở trong việc tuyên truyền bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước tại cơ sở.
Còn theo ông Trần Quang Sơn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Yên Bái, từ đầu năm 2020 đến nay Chi nhánh đã cho các hộ dân vay trên 15 tỷ đồng để hỗ trợ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn xây dựng khoảng 2.000 giếng tương đương với hơn 6.600 người sử dụng có nước sạch sinh hoạt.
Dự kiến hết năm 2020, Chi nhánh có kế hoạch cho các hộ vay chừng 30 tỷ đồng để cho các hộ vay ưu đãi sử dụng vào mục tiêu trên.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, hiện sở đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các hợp phần của chương trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho khu vực nông thôn, đặc biệt là đối với đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch đối với sức khỏe, vệ sinh môi trường; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình nước sạch sinh hoạt để hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra.