Trọng điểm quốc gia về đào tạo kiến trúc sư

Thứ tư, 23/11/2011 09:28
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dịp 20/11 năm nay có ý nghĩa đặc biệt với thầy và trò trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (ĐHKTHN). Bởi ngày này không chỉ tôn vinh các nhà giáo mà còn là dịp nhà trường kỷ niệm tròn 50 năm truyền thống đào tạo KTS và đánh giá công tác đào tạo KTS trong thời kỳ đổi mới.

Ôn lại truyền thống đào tạo của trường ĐHKTHN, Hiệu trưởng Đỗ Đình Đức cho biết: Năm 1961, để đáp ứng yêu cầu của đất nước trong thời kỳ đầu xây dựng nhà nước XHCN, Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng) đã mở lớp đào tạo KTS, đặt tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Sau đó, lớp đào tạo KTS được sáp nhập vào Trường ĐH Xây dựng Hà Nội để hình thành khoa Kiến trúc - Đô thị. Đến năm 1969, khoa Kiến trúc - Đô thị được tách ra để thành lập trường ĐHKTHN. Vậy là, đến thời điểm này, trường ĐHKTHN tròn 50 năm đào tạo KTS và 42 năm thành lập.

Trong khoảng thời gian này, trường ĐHKTHN đã đào tạo được hơn 9 nghìn KTS trong tổng số 17 nghìn KTS đang hành nghề trong cả nước. Nhà trường vinh dự và tự hào vì đã có những người thầy được tặng thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, Giải thưởng Kiến trúc quốc gia… có nhiều sinh viên đoạt giải cao trong các cuộc thi, giải thưởng trong nước như Giải thưởng Loa Thành, VIFOTEC… cũng như các giải thưởng quốc tế, góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ quốc tế… “Đó là sự ghi nhận thành quả hoạt động, thể hiện đẳng cấp, uy tín và chất lượng, khẳng định sự tín nhiệm của xã hội đối với nhà trường trong đào tạo KTS” - Hiệu trưởng Đỗ Đình Đức nhấn mạnh.

Cùng đề cập đến sự nỗ lực vượt qua bao gian khó, từng bước nâng cao và khẳng định vị thế của trường ĐHKTHN trong khu vực và trên thế giới, Phó hiệu trưởng Lê Quân cho biết: Hiện nay, trường ĐHKTHN đang triển khai 4 chương trình đào tạo KTS gồm đào tạo KTS theo niên chế (áp dụng cho những sinh viên được tuyển từ năm 2007 trở về trước), đào tạo KTS công trình theo tín chỉ, đào tạo KTS theo chương trình tiên tiến và đào tạo KTS cảnh quan. Trong đó, chương trình đào tạo KTS công trình tiên tiến được áp dụng từ năm 2009, được xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo gốc của trường đại học Nottingham (Vương quốc Anh), do giảng viên nước ngoài kết hợp với giảng viên trong nước giảng dạy bằng tiếng Anh. Còn chương trình đào tạo KTS cảnh quan thì có sự hợp tác giữa trường ĐHKTHN và 3 trường đại học hàng đầu của Cộng hòa Pháp về kiến trúc cảnh quan là trường Đại học Nomandie, Toulouse và Bordeaux, dạy bằng tiếng Pháp, theo chương trình thống nhất giữa 4 trường…

Bên cạnh đó, theo Phó hiệu trưởng Nguyễn Tố Lăng, Trường ĐHKTHN còn có quan hệ hợp tác với trên 50 trường đại học, học viên nghiên cứu, tổ chức quốc tế trên thế giới ở các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên, trao đổi chương trình và tài liệu giảng dạy, triển khai công tác thực tiễn, chuyển giao công nghệ phục vụ đào tạo… Với mục tiêu phấn đấu trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo KTS, được công nhận là một trong những trường hàng đầu Việt Nam về chất lượng, thương hiệu và nằm trong nhóm các trường hàng đầu khu vực Đông Nam Á, trường ĐHKTHN đã và đang cố gắng duy trì và phát triển truyền thống đào tạo KTS, vừa kế thừa các mặt mạnh của mô hình đào tạo truyền thống, vừa phát triển các mô hình đào tạo tiên tiến, gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất, tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế.

Không quá say sưa với những thành tích đạt được, Trưởng khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Nguyễn Xuân Hinh đã thẳng thắn đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực đào tạo KTS quy hoạch ở trường ĐHKTHN. Theo đó, chương trình đào tạo của nhà trường cần tăng cường kiến thức về kinh tế và xã hội; trang bị cho sinh viên khả năng phân tích, phương pháp luận và tầm nhìn trong quy hoạch; và phân loại chức năng để đào tạo KTS quy hoạch. Lý do, đặc trưng công việc của KTS là khả năng sáng tạo, xây dựng nên các ý tưởng mới về không gian hình thể, phù hợp với công năng sử dụng. Tuy nhiên, không phải tất cả các KTS đều làm ý tưởng mà chỉ có khoảng 10 - 15%, số còn lại chủ yếu là công tác thiết kế triển khai. Do vậy, nên phân làm 2 giai đoạn đào tạo. Giai đoạn đào tạo chung cho các KTS ra trường, chủ yếu làm việc thiết kế kỹ thuật, học 3 - 4 năm. Giai đoạn sau, từ 1,5 - 2 năm, đào tạo cho khoảng 10 -15% sinh viên có khả năng làm việc sáng tạo ý tưởng , đã tốt nghiệp giai đoạn 1, học tiếp lên để trở thành KTS lên ý tưởng. Phương thức đào tạo chia giai đoạn như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền của nhà nước và sinh viên. Đây cũng là phương thức đào tạo được một số nước trên thế giới đã áp dụng.

Cũng đề cập đến cơ hội và thách thức trong đào tạo KTS, Trưởng khoa Kiến trúc Nguyễn Vũ Phương cho biết: Trong 18 cơ sở đào tạo KTS trong cả nước hiện nay, ĐHKTHN đã tiên phong việc áp dụng mô hình học đồ án theo xưởng từ hơn 10 năm qua. “Đó là quá trình dạy, học, nghiên cứu, thực hành cần được phối hợp chặt chẽ, giao cho các xưởng tự chủ và chịu trách nhiệm. Các nguyên tắc xưởng mang tính thời thượng. “Xưởng” tạo ra năng lượng to lớn thúc đẩy sự phát triển của giáo viên và sinh viên đồng thời thỏa mãn đặc tính “độc đoán” của người thầy – KTS. Tuy nhiên, để có thể áp dụng kinh nghiệm và mô hình tiên tiến đó một cách hiệu quả, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải có hạ tầng tốt và phải đầu tư nguồn lực to lớn, trong đó tài chính đóng vai trò then chốt.

Theo : Báo Xây dựng điện tử
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)