Từ công trình dân dụng…
Công trình Nhà thi đấu thể thao tỉnh được khởi công xây dựng từ tháng 12/2017, có diện tích khoảng 2,8 ha, tổng mức đầu tư gần 8 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, kế hoạch thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020. Công trình có quy mô lớn, nhiều hạng mục bao gồm 4 nghìn chỗ ngồi và nhiều phòng chức năng khác nhau, được xác định là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh.
Ông Vương Tuấn Nghĩa - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (chủ đầu tư) cho biết, khi triển khai dự án đã gặp nhiều khó khăn, đó là giai đoạn đầu khởi công, thời tiết mưa nhiều, sau đó nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Trong khi đó, rất nhiều hạng mục đòi hỏi tính kỹ thuật, thẩm mỹ cao. “Chúng tôi đã tập trung cán bộ, nhân viên thường xuyên có mặt tại công trình để giám sát nhà thầu, bảo đảm đúng chất lượng, tiến độ đề ra”, ông Nghĩa nói.
Được biết, dự án xây dựng Nhà thi đấu thể thao tỉnh do liên danh nhà thầu chính là Công ty cổ phần Xây dựng Hà Đô 23 cùng 6 nhà thầu phụ khác đảm nhận. Mỗi nhà thầu thực hiện một hạng mục khác nhau, với 10 gói thầu độc lập. Vì thế, công tác giám sát trong suốt quá trình thi công xây dựng đòi hỏi có sự tập trung cao.
Theo ông Phạm Huy Long, chỉ huy trưởng công trường (Công ty cổ phần Xây dựng Hà Đô 23), trong quá trình thi công, lắp ráp, có nhiều hạng mục rất khó và phức tạp, đòi hỏi công nhân có tay nghề cao. Ví như hạng mục khán đài dành cho khách và khán giả ngồi, có độ cong lớn; kết cấu thép mái, hệ mái nhôm, vách kính nghiêng và hệ thống đèn chiếu sáng, điều hòa hiện đại. “Không những vậy, do yêu cầu rút ngắn thời gian hoàn thành, nên chúng tôi đã phải huy động tổng lực cán bộ, công nhân và trang thiết bị máy móc hiện đại tham gia. Đặc biệt, trong giai đoạn nước rút, công ty đã huy động từ 500-600 người thường xuyên có mặt trên công trình làm việc liên tục trong 3 ca/ngày”, ông Long tiết lộ. Có lẽ vì thế, công trình Nhà thi đấu thể thao tỉnh đã hoàn thành trước thời gian 3 tháng mà vẫn bảo đảm chất lượng.
…đến công trình giao thông
Trong những ngày này, trên công trường thi công xây dựng cầu vượt đường sắt qua thôn Kẻ, xã Quảng Minh và thôn Sen Hồ, thị trấn Nếnh (Việt Yên), các nhà thầu cùng chủ đầu tư cũng đang tập trung huy động nhân lực, máy móc, vật liệu làm việc liên tục 3 ca/ngày. Đây là một “điểm nghẽn” vừa được tháo gỡ thuộc dự án đường vành đai IV (Hà Nội).
Theo ông Ngô Thành Duy - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư), công trình xây dựng cầu vượt đường sắt được khởi công từ tháng 3/2019, song do vướng mặt bằng nên hơn 2 tháng sau nhà thầu mới triển khai phương tiện máy móc vào thi công được.

Những "nút thắt" của dự án đường vành đai IV được tập trung tháo gỡ. Ảnh: Thành Nam
Nhằm giải quyết khó khăn này, nhà thầu chấp nhận giảm lợi nhuận bằng cách làm thêm tuyến đường dài hàng trăm mét dẫn vào khu vực thi công; đồng thời, hỗ trợ tiền cho người dân để làm công tác duy tu bảo dưỡng đường trục thôn, bảo vệ môi trường khi có xe di chuyển qua đây…
Kết quả, công trình trên đã đạt khoảng 70% giá trị khối lượng xây lắp theo yêu cầu; dự kiến, đến hết tháng 10 tới đây cơ bản hoàn thành. Từ đó, tạo điều kiện để nhà thầu thông tuyến thi công các khu vực còn lại.
Ông Duy cho biết thêm, tính chung toàn bộ dự án vành đai IV, đến thời điểm này đã đạt khoảng 70% khối lượng công trình. Hiện nay, vẫn còn một số đoạn có vướng mắc về mặt bằng, đó là đoạn qua thôn Phúc Ninh, Cao Lôi, Ninh Động, xã Ninh Sơn (Việt Yên); Vân Cẩm, Ấm Hồng, xã Đông Lỗ và thôn Vũ Lông, xã Bắc Lý (Hiệp Hòa). Chủ đầu tư đang cùng UBND huyện, các xã liên quan tập trung xác minh lại diện tích, chủ sở hữu, loại đất... để có hướng trả lời, giải quyết cho người dân theo đúng quy định hiện hành. “Tinh thần của chủ đầu tư và nhà thầu là đẩy mạnh thi công dứt điểm tại những vị trí có mặt bằng; những điểm còn vướng mắc sẽ phối hợp với chính quyền địa phương trên cơ sở hỗ trợ tối đa quyền lợi chính đáng cho người dân để sớm giải phóng xong mặt bằng”, ông Duy cho biết.
Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 5 công trình xây dựng, với giá trị khối lượng lớn, mang ý nghĩa quan trọng cho phát triển KT-XH của tỉnh, được xác định là công trình xây dựng trọng điểm cần tập trung cao về nhân lực, vật lực để đầu tư thi công xây dựng.
Ngoài hai dự án Nhà thi đấu thể thao tỉnh và đường vành đai IV, các dự án trọng điểm khác cũng đang được thực hiện, đó là dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 293 đoạn qua thị trấn Thanh Sơn và xã Thanh Luận (Sơn Động); đường nhánh nối từ tỉnh lộ 293 vào cảng Mỹ An (Lục Nam - Lục Ngạn) và dự án Khối nhà trung tâm, khối nhà chuyên khoa đặc thù, khoa truyền nhiễm và các hạng mục phụ trợ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Nhìn chung, nguồn vốn để thực hiện các công trình trên đều bảo đảm, khó nhất là về kỹ thuật thi công, giải phóng mặt bằng tại một số điểm "cửa ngõ" cho thông tuyến.
Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra, nhiều trường hợp, chủ đầu tư và nhà thầu cùng chính chính quyền địa phương, ngành chức năng trực tiếp đến từng gia đình hộ dân còn vướng mắc để xem xét, giải quyết; thậm chí, nhà thầu đã hỗ trợ kinh phí, phương tiện, nhân công cho người dân bị ảnh hưởng do tuyến đường đi qua. Những trường hợp phức tạp, mặc dù đã giải quyết thỏa đáng và được tuyên truyền, vận động nhưng một số người dân vẫn không nhất trí, chính quyền địa phương cương quyết tiến hành cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Đến nay, các dự án xây dựng giao thông đã đạt từ 70-80% khối lượng công trình, phấn đấu đến cuối năm 2019 và đầu năm 2020 sẽ hoàn thành.
Riêng đối với dự án xây dựng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng để thi công xây dựng; dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Khi các công trình trọng điểm được hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
Theo Bacgiang.gov.vn