Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 16 dự án nhà ở thương mại bảo đảm về an ninh, quốc phòng cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Chi
Trong đó, có các dự án: Dự án đầu tư công trình hỗn hợp nhà ở, văn phòng và trung tâm thương mại tại 265 Cầu Giấy của liên danh Công ty Cổ phần Hóa chất và vật tư khoa học kỹ thuật và Tập đoàn FLC; Dự án nhà ở cao tầng kết hợp hành chính đơn vị ở tại ô đất NO-CT2 thuộc dự án Hải Đăng City của Công ty Cổ phần đầu tư Địa ốc Hải Đăng; Dự án Mipec Riverside của Công ty Cổ phần hóa dầu Quân đội; Dự án TSQ Galaxy 1 và Khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc của Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Toàn Cầu GTC; Dự án khu chung cư quốc tế Hoàng Thành City của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành; Dự án Dreamland Plaza của liên danh Công ty Cổ phần Xây lắp Giao thông công chính và Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Vinaland; Dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp; Dự án Goldmark City của Công ty Cổ phần thương mại quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân.
Ngoài ra, còn có các dự án nhà ở chung cư để bán cho cán bộ chiến sỹ công an TP. Hà Nội; Dự án xây dựng lại khu tập thể 30A Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm; Dự án khu nhà ở thấp tầng để bán tại số 2A, ngõ 85 phố hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân; Dự án CT15 Việt Hưng, Khu đô thị mới Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên; dự án PCC1 Thanh Xuân tại số 44 Triều Khúc, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân; Dự án tổ hợp văn phòng, căn hộ và biệt thự tại 16 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình.
Theo Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013 và Luật Nhà ở năm 2014, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Báo cáo giám sát của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội về tình hình người nước ngoài ở Việt Nam cho thấy: Từ khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực đến nay, có gần 800 tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam tập trung tại các địa phương: TP. Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long.
Các tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đều thực hiện nghiêm túc các quy định của Việt Nam về xuất nhập cảnh và lưu trú, sở hữu nhà đất, mua bán chuyển nhượng nhà ở, nộp thuế.
Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng chỉ ra nhiều mặt hạn chế liên quan đến quy định cho người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam. Theo đó, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua việc mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế theo điểm a, khoản 2 Điều 161. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013, thì người nước ngoài không được liệt kê trong số các đối tượng có quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
"Sự không nhất quán trong các văn bản luật nêu trên liên quan tới việc sở hữu nhà ở và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, dẫn đến việc cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam có quyền sử dụng đối với diện tích đất được dùng để xây nhà ở đó hay không. Nếu không có quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, thì khi bán nhà cho cá nhân nước ngoài có thể bán nhà ở gắn với quyền sử dụng đất như được quy định tại khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014", báo cáo giám sát nêu rõ.
Theo Chinhphu.vn