Hà Nội và Thanh Hóa tăng cường hợp tác trên 12 lĩnh vực trọng tâm

Thứ hai, 18/11/2019 11:59
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 16/11, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị hợp tác, phát triển, nhằm đánh giá kết quả hợp tác giữa hai địa phương trong những năm qua và đề ra các nội dung hợp tác trong giai đoạn tới.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cùng chủ trì hội nghị.

Báo cáo về kết quả hợp tác giữa hai địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trong những năm qua, thành phố Hà Nội và tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động hợp tác, duy trì mối quan hệ trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Năm 2012, lãnh đạo hai tỉnh, thành phố đã làm việc về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó, các sở, ngành của hai địa phương đã cụ thể hóa, triển khai thành các hoạt động hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Hai địa phương đã triển khai phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Hằng năm, các ban Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các quận, huyện của hai địa phương tổ chức các Đoàn công tác học tập, chia sẻ kinh nghiệm, qua đó, đã tham mưu cấp ủy hai tỉnh, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trong lĩnh vực đầu tư, hai địa phương đã quan tâm giới thiệu các tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương; đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 65 dự án của các nhà đầu tư đến từ Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 45.500 tỷ đồng. Hà Nội cũng đón nhận nhiều doanh nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đến đầu tư, hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, logistic...

Ngành Công thương hai địa phương thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình và kết quả hoạt động của ngành; phối hợp tổ chức cho các doanh nghiệp tham dự hội chợ thương mại; thường xuyên trao đổi thông tin về hoạt động của doanh nghiệp thương mại hoạt động trên địa bàn liên tỉnh để kịp thời nắm bắt và quản lý có hiệu quả... Định kỳ, hai bên tổ chức các đoàn công tác để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp.

Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, trong những năm qua, hai địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác, như phối hợp tổ chức sự kiện “Những ngày văn hóa - du lịch Hà Nội tại Thanh Hóa” nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa; giới thiệu, lựa chọn các doanh nghiệp tham gia Roadshow quảng bá du lịch Thanh Hóa tại Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội. Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa một phần kinh phí để xây dựng công trình văn hóa - lịch sử; thường xuyên hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa về chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, địa điểm tập huấn vận động viên trong và ngoài nước; chia sẻ kinh nghiệm phát triển thể thao thành tích cao... Ngoài ra, Hà Nội cũng quan tâm, hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những tiềm năng, lợi thế của mỗi bên, lãnh đạo hai địa phương đã thống nhất đề ra 12 nhóm nội dung hợp tác trọng tâm trong thời gian tới, từ các lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đến xúc tiến đầu tư, công nghiệp, thương mại, nông nghiệp; văn hóa, thể thao, du lịch; quản lý đất đai, môi trường; chăm sóc sức khỏe nhân dân; an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội...
 


Thành phố Hà Nội tặng Quỹ an sinh xã hội tỉnh Thanh Hóa 3 tỷ đồng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, tỉnh đang tập trung vào 5 trụ cột phát triển và để thực hiện được rất cần sự hợp tác của thành phố Hà Nội. Trong đó, về sản xuất nông nghiệp, tỉnh đang chuyển đổi cơ cấu sản xuất nên tỉnh mong muốn Hà Nội tạo điều kiện để kết nối tiêu thụ nông sản của Thanh Hóa, đầu tư cho các trang trại của tỉnh để tạo thành chuỗi giá trị; kết nối, hỗ trợ tỉnh trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... Về thu hút, xúc tiến đầu tư, trao đổi thông tin doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa mong muốn Hà Nội hợp tác chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, trong phát triển du lịch, Thanh Hóa còn nhiều tiềm năng, lợi thế, do vậy, tỉnh mong muốn thành phố Hà Nội kết nối, hình thành các sản phẩm du lịch để góp phần khắc phục tình trạng du lịch theo mùa vụ...

Còn theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong thời gian tới, Hà Nội và Thanh Hóa cần chia sẻ kinh nghiệm sâu hơn trong công tác quản lý, phát triển đô thị, thu hút đầu tư... Đồng chí Nguyễn Đức Chung cũng cho rằng, Hà Nội và Thanh Hóa là 2 địa phương có thế mạnh về du lịch văn hóa, do vậy, ngành văn hóa, thể thao và du lịch 2 địa phương cần tăng cường kết nối, hợp tác để phát huy thế mạnh này... Ngoài ra, Hà Nội có thể hợp tác, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa trong đào tạo vận động viên chất lượng cao; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm lưu động...

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) từ đầu năm đến nay ước đạt 20,25%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất cả nước. Có được những kết quả này, một trong những động lực quan trọng là dự án Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn. “Tác động từ những dự án có tính chất động lực không thể tính hết được, vị thế của tỉnh nhờ đó cũng nâng lên” - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nói. Cùng với đó, các dự án của nhà đầu tư Hà Nội tại Thanh Hóa đã mang lại kết quả rõ nét, giúp phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa của tỉnh. Trong 9 tháng đầu năm nay, thu ngân sách của tỉnh đã đạt gần 20 nghìn tỷ đồng. Đánh giá cao kết quả hội nghị hợp tác, phát triển giữa hai địa phương, đồng chí Trịnh Văn Chiến đề nghị thành phố Hà Nội bên cạnh các nội dung đã được thống nhất, có thể quan tâm đầu tư tại Thanh Hóa 1 cảng biển, đồng thời, kết nối, khai thác và phát triển Càng hàng không Thọ Xuân cũng như quan tâm hơn nữa trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm của tỉnh Thanh Hóa tại thị trường Hà Nội.

Sau khi nghe đại diện các sở, ngành và lãnh đạo hai địa phương trao đổi, thảo luận, phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, Hà Nội và Thanh Hóa là hai địa phương có sự gắn kết suốt chiều dài lịch sử phát triển. Đánh giá cao những kết quả toàn diện của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Thanh Hóa có nhiều kinh nghiệm quý mà Hà Nội có thể nghiên cứu, nhất là công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh; giải phóng mặt bằng...

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, Hà Nội và Thanh Hóa đều là hai đảng bộ lớn, do vậy cần chia sẻ kinh nghiệm kỹ hơn về công tác tuyên giáo, nội chính, tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thống nhất với các nội dung hợp tác đã được hội nghị đề ra, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải giao 2 đồng chí Phó Bí thư Thường trực tỉnh, thành ủy ký biên bản ghi nhớ; 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm làm đầu mối hợp tác. Trên cơ sở các nội dung đã thống nhất, các sở, ngành hai địa phương cần cụ thể hóa thành các nội dung thiết thực, cụ thể...

Nhân dịp này, thành phố Hà Nội đã tặng Quỹ an sinh xã hội tỉnh Thanh Hóa 3 tỷ đồng.


Theo Hà Nội portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)