Nâng cấp thị trấn Kinh Môn mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV

Thứ ba, 16/12/2014 17:12
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Huyện Kinh Môn nằm phía đông bắc tỉnh Hải Dương, có diện tích trên 16.349ha, gồm có 25 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn. Thị trấn Kinh Môn mở rộng bao gồm 3 thị trấn: Kinh Môn, Phú Thứ và Minh Tân.

Đây là chuỗi đô thị nằm gần các trung tâm kinh tế, có hệ thống giao thông thủy bộ khá thuận lợi, cách Thủ đô Hà Nội 80km, TP Hải Dương 30km, Hải Phòng 40km, bao bọc bởi 4 con sông Kinh Thày, Kinh Môn, Đá Vách và Hàn Mấu. Thị trấn Kinh Môn mở rộng hiện là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch, dịch vụ… Về kinh tế, trên địa bàn hiện có nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, nhiều cụm công nghiệp như: Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, xi măng Phúc Sơn; khu liên hợp sản xuất gang thép, than cốc của Tập đoàn Hòa Phát; các cụm công nghiệp Long Xuyên, Phú Thứ... có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội vùng đông bắc tỉnh Hải Dương. Đây còn là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như động Kính Chủ, núi An Phụ với đền Cao, nơi thờ An sinh vương Trần Liễu và tượng đài Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo... Thiên nhiên ưu đãi cho vùng quê bán sơn địa này một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với 2.100ha đồi núi đất, 320ha núi đá xanh. Núi đá xanh là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy xi măng như: Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Duyên Linh, Vạn Chánh. Và sự phát triển của ngành sản xuất xi măng ở đây là tiềm năng để các ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp khác phát triển. Trong 5 năm trở lại đây tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp của huyện Kinh Môn cũng như trị trấn Kinh Môn mở rộng có những bước nhảy vọt.

Theo đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị Kinh Môn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì hướng quy hoạch chung sẽ lấy lõi là thị trấn Kinh Môn mở rộng sang 2 thị trấn Phú Thứ và Minh Tân, tạo thành chuỗi phát triển đô thị. Đô thị lõi với 3 thị trấn làm trung tâm sẽ nâng cấp lên đô thị loại IV, từ đó làm cơ sở đưa toàn huyện trở thành thị xã vào năm 2015 theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng của toàn tỉnh. Việc quy hoạch sẽ được thực hiện trên diện tích là 16.349ha; gồm tất cả 25 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Với quy mô dân số dự kiến đến năm 2015 là 168.000 người. Đến năm 2020 là 180.000 người.

Việc quy hoạch cũng đã định hướng cho thị trấn Kinh Môn mở rộng phát triển theo từng khu vực. Đô thị công nghiệp - dịch vụ sẽ tập trung ở phía bắc, gồm các khu vực thị trấn Kinh Môn, Phú Thứ mở rộng được kết nối với thị trấn Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh). Khu vực này được xây dựng nhằm giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, phát triển nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh dịch vụ. Đô thị trung tâm là khu vực thị trấn Kinh Môn cũ được mở rộng. Đây là trung tâm hành chính, các công trình dịch vụ công cộng thiết yếu như y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao… Khu vực này được bổ sung thêm quảng trường, công viên cây xanh, trung tâm thương mại, chợ… Đô thị phát triển mới là khu phía tây huyện, có nhà máy nhiệt điện. Ở đây sẽ xây dựng cụm đô thị tập trung, hiện đại. Đây còn là khu du lịch tâm linh, du lịch danh thắng, đô thị sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng… với nền tảng là cảnh quan tự nhiên, di tích danh thắng và không gian văn hóa cộng đồng. Hầu hết trong quy hoạch xây dựng phát triển các đô thị mới ở thị trấn Kinh Môn mở rộng được các nhà tư vấn tôn trọng tự nhiên, cảnh quan, tránh xáo trộn, chia cắt sông ngòi, đồng thời có tính khả thi cao. Khi trở thành thị xã, Kinh Môn sẽ quy hoạch mới 11 khu dân cư, đô thị mới tại một số khu vực, gồm các điểm dân cư nông thôn phát triển và được tiến hành cải tạo theo chủ trương xây dựng nông thôn mới, gồm có hệ thống công viên - cây xanh - quảng trường; công viên cây xanh bảo vệ, tôn tạo di tích... Giao thông của huyện sẽ phát triển nối thông với các quốc lộ 5, 18, 37 và các khu vực lân cận bằng hệ thống cầu lớn để dễ dàng nối thông với thị trấn Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh), Thủy Nguyên (Hải Phòng), thị xã Chí Linh, thị trấn Phú Thái (Kim Thành), thị trấn Nam Sách và TP Hải Dương…

Trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Kinh Môn mở rộng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, đạt mức tăng trưởng giai đoạn 2011-2013 là 6,48%, tổng thu ngân sách trên địa bàn 458 tỷ đồng, riêng 3 thị trấn là 22,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người của thị trấn Kinh Môn mở rộng năm 2013 bằng 2,58 lần thu nhập bình quân đầu người cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,96%. Kinh tế phát triển, thị trấn có điều kiện đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa... nhờ đó hạ tầng kỹ thuật đô thị của thị trấn Kinh Môn mở rộng đã được đầu tư, tu bổ và được nâng cấp xây dựng mới, như hệ thống giao thông đấu nối với QL5 và với QL18 (tỉnh lộ 388) trên địa bàn, cùng với đó là hệ thống giao thông tỉnh lộ 389A và 389B cũng đã được đầu tư cải tạo và nâng cấp, nhiều khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn được xây dựng mới, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thông tin bưu điện, trạm biến áp, đường dây tải điện, hệ thống trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại, nhà văn hóa, khu thể dục, thể thao vui chơi giải trí... đã và đang được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo.

Trong nhiều năm gần đây huyện Kinh Môn có tốc độ phát triển kinh tế cao và là trọng điểm về kinh tế công nghiệp của tỉnh, là một trong các huyện có tổng thu ngân sách tỉnh chiếm tỷ trọng lớn đạt khoảng gần 1/3 số thu ngân sách của tỉnh; Sự phát triển vượt bậc về kinh tế đã làm cho phát triển mạnh mẽ về văn hóa, xã hội trên địa bàn. Đặc biệt là sự thay đổi về cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng lên trong mấy năm gần đây chiếm tỷ trọng gần 70,8% tổng số lao động địa phương.

Việc nâng cấp thị trấn Kinh Môn mở rộng tạo tiền đề huyện Kinh Môn trở thành thị xã là yêu cầu cần thiết, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và phù hợp quy định của Nhà nước. Được công nhận đô thị loại IV, thị trấn Kinh Môn mở rộng không những sẽ tiếp tục phát triển trở thành vùng lõi của thị xã mà xứng đáng là đô thị trung tâm cấp vùng, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò chức năng là trung tâm công nghiệp-TTCN, dịch vụ thương mại, văn hóa du lịch, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế vùng phía đông bắc của tỉnh Hải Dương và khu vực lân cận.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)