Trong đó, riêng tổng mức đầu tư khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Việt Hưng là 4.900 tỷ đồng.
Thông tin này được công bố tại Triển lãm Đề án giãn dân khu phố cổ Hà Nội tổ chức sáng 8/10 tại Trung tâm thông tin di sản phố cổ Hà Nội, 28 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
Mục tiêu của Đề án giãn dân phố cổ nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha (năm 2010) xuống còn khoảng 500 người/ha, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân trong khu phố cổ, với 26.200 người sang sống tại khu giãn dân phố cổ.
Trong đó, giai đoạn 1 di chuyển 1.530 hộ dân với khoảng 7.200 người, gồm các hộ đang sống trong các di tích, công sở, trường học, các hộ dân sống trong biển số nhà và chung cư xuống cấp nguy hiểm, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các biển số nhà do Nhà nước quản lý có mật độ sử dụng đất cao, những hộ dân tự nguyện xin di chuyển…
Khu giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng rộng 11,12ha; đáp ứng yêu cầu về loại nhà, cơ cấu diện tích, cơ cấu căn hộ phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và tính chất người dân phố cổ.
Đối với các hộ dân trong diện giãn dân phố cổ nếu đang sinh sống, kinh doanh tại diện tích nhà mặt phố trong khu phố cổ hoặc hộ dân có nhu cầu kinh doanh thương mại để đảm bảo cuộc sống sẽ được xem xét, bố trí kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 của các tòa nhà 9 tầng trong khu nhà ở giãn dân phố cổ.
Khu giãn dân phố cổ gồm 16 tòa nhà ở cao 9 tầng tương đương 1.800 căn hộ, một tòa nhà hỗn hợp cao 15 tầng, các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng khi thực hiện giãn dân, cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc tái tạo không gian phố cổ như các phố nghề, lễ hội, các nhà cổ, nhà thờ… tạo nên cái hồn cho phố cổ và cần di chuyển các cơ sở sản xuất không hợp lý ra khỏi khu vực này.
Tại nơi giãn dân khu đô thị mới, cần quan tâm đến thói quen sinh hoạt của người dân, tạo điều kiện cho họ thích ứng nơi ở mới.
Giai đoạn 2 của đề án tiếp nối sau giai đoạn 1 và kết thúc vào năm 2020./.
Theo TTXVN