Sẽ có quỹ nhà sở hữu nhà nước bố trí cho thuê

Thứ sáu, 01/04/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là một trong những nội dung dự thảo quyết định ban hành quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (SHNN) trên địa bàn TP mà Sở Xây dựng vừa gửi Sở Tư pháp thẩm định để trình UBND TPHCM.

Nhà biệt thự sở hữu nhà nước tại TPHCM đã có chủ trương tiếp tục bán. Trong ảnh: Một căn biệt thự tại quận 3.

Theo đó, đối với nguồn nhà trống thuộc SHNN trên địa bàn TP từ các nguồn: TP xử lý thu hồi, xuất cảnh giao nhà, các đơn vị cơ quan chuyển giao, UBND TP sẽ quyết định bố trí cho các đối tượng thuộc quyền quản lý của UBND TP thuê để ở.

Tất cả nhà SHNN phải được xác lập

Theo Sở Xây dựng TP, quá trình dự thảo này được bắt đầu từ năm 2006, đã qua nhiều lần chỉnh sửa và góp ý của UBND các quận-huyện, sở-ngành. Ngày 18-12-2008, Bộ Xây dựng có công văn nêu rõ: pháp luật hiện hành chưa có quy định bán nhà ở thuộc SHNN bố trí sau ngày 1-11-1992 (ngày QĐ 118 của Chính phủ có hiệu lực).

Ngày 26-2-2010, Bộ Xây dựng có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương báo cáo tình hình quản lý sử dụng nhà ở thuộc SHNN đã bố trí làm nhà ở sau ngày 1-11-1992. Hiện để phù hợp với các quy định hiện hành khác, Sở Xây dựng đã phối hợp với Sở Tư pháp rà soát và điều chỉnh bổ sung dự thảo theo quy định.

Theo Sở Xây dựng, hiện công tác bán nhà thuộc SHNN theo NĐ 61/CP đã kết thúc, nhà biệt thự cũng đã có chủ trương của UBND TP tiếp tục bán… Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà ở thuộc SHNN trên cơ sở cập nhật các quy định hiện hành, sở trình UBND TP xem xét, ban hành. Các nội dung trong quyết định này chỉ áp dụng cho các trường hợp thuê nhà thuộc SHNN.

Về công tác bán nhà thuộc SHNN, Sở Xây dựng đã thống nhất với Sở Tư pháp TP kiến nghị TP ban hành một quy định riêng để áp dụng chung trên toàn TP do việc xử lý cơ chế giá bán phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đối tượng, loại nhà, thời điểm sử dụng nhà…

So với dự thảo năm 2008, Sở Xây dựng cho biết đã thêm một số nội dung mới như: xác định thời điểm sử dụng nhà thuộc SHNN, hợp pháp hóa chuyển quyền thuê, đối tượng và trình tự thủ tục ký hợp đồng thuê nhà. Theo dự thảo, tất cả nhà ở thuộc SHNN đều phải được xác lập.

Cụ thể: nhà công sản chế độ cũ, nhà mua trả góp chế độ cũ chưa trả hết tiền, nhà được xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước; nhà do các đơn vị tự quản đã bố trí làm nhà ở chuyển giao cho ngành nhà đất quản lý; nhà được xác định vô chủ theo Luật Nhà ở; nhà bị tịch thu theo Tòa án và các nhà ở khác có ý kiến chỉ đạo của UBND TP đều được xác lập quyền SHNN…

Đối với nguồn nhà trống thuộc SHNN trên địa bàn TP do xử lý, xuất cảnh giao nhà, các đơn vị cơ quan chuyển giao thì UBND TP quyết định bố trí cho các đối tượng thuộc quyền quản lý của UBND TP được thuê nhà. Đối tượng cụ thể là: người có công với cách mạng; cán bộ công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương Nhà nước. Các đối tượng trên phải có giấy cam kết có xác nhận vợ hoặc chồng (nếu có gia đình) về việc chưa được hưởng các chính sách nhà ở, đất ở.

Cho thuê lại sẽ bị thu hồi

Theo dự thảo, người sử dụng nhà ở có văn bản bố trí nhà nhưng bị thất lạc hoặc hư hỏng; cơ quan, đơn vị bố trí nhà này đã thuê, sáp nhập, cổ phần hóa; cơ quan, đơn vị mới không thể xác nhận do không biết nguồn gốc nhà ở; có quá trình sử dụng hợp lệ, liên tục, ổn định và không có tranh chấp đều được hợp pháp hóa quyền thuê nhà ở thuộc SHNN.

Người sử dụng nhà ở do đã sang nhượng không hợp pháp trước quy định này có hiệu lực thi hành, kể cả sang nhượng nhiều lần, không tìm được người sử dụng nhà hợp pháp trước đây để lập thủ tục chuyển quyền thuê theo quy định; người sử dụng nhà ở do chiếm dụng cũng được hợp pháp hóa quyền thuê nhà ở.

Quy định nêu rõ, cơ quan, đơn vị, người thuê nhà nếu quản lý, sử dụng nhà ở không đúng quy định, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước thì tùy mức độ vi phạm, sẽ bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật (đối với cán bộ, công chức), bồi thường thiệt hại vật chất, hủy bỏ hợp đồng thuê nhà, bị thu hồi nhà ở hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Dự thảo quyết định này cũng quy định thu hồi nhà đối với các trường hợp: nhà ở chiếm dụng sau ngày ban hành quyết định này; người sử dụng nhà không ký hợp đồng thuê theo yêu cầu của đơn vị quản lý nhà, không thực hiện đúng nội dung thuê của hợp đồng, sử dụng nhà ở không đúng mục đích, tự ý chuyển quyền thuê, cho người khác thuê lại một phần hoặc toàn bộ phần nhà đang thuê, làm hư hỏng nghiêm trọng nhà đang thuê; người xuất cảnh định cư ở nước ngoài mà không còn thân nhân lưu cư hợp pháp.

Nhà ở thuộc diện không bán (thuộc quy hoạch không bán, nhà ở được UBND TP giữ lại làm mục đích khác), nhà ở thuộc diện chưa bán (được bố trí sau ngày 1-11-1992), nhà bị chiếm dụng chưa được xử lý; nhà ở có tranh chấp, khiếu nại; các loại nhà ở khác đang chờ xử lý theo quy định chỉ được ký hợp đồng thuê nhà ngắn hạn (tối đa không quá 24 tháng). Đối với các hợp đồng thuê nhà dài hạn (từ 25 đến tối đa không quá 60 tháng) thì đối tượng được thuê chỉ được bố trí cho thuê một căn nhà.

Trong trường hợp (vợ và chồng) sử dụng 2 căn nhà trở lên được bố trí hoặc chuyển quyền thuê thì ưu tiên cho trường hợp này chọn 1 căn nhà để ký hợp đồng thuê dài hạn. Căn nhà (hoặc đất) còn lại sẽ được cơ quan chức năng xem xét cho thuê ngắn hạn, bán theo giá thị trường hoặc thu hồi.
 


Theo Sài Gòn Giải Phóng
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)