Xây dựng Hội An thành đô thị sinh thái

Thứ tư, 16/12/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 15-12, HĐND TP Hội An (Quảng Nam) khóa IX đã thông qua đề án xây dựngHội An thành TP sinh thái đầu tiên của cả nước vào năm 2030.

Hội An sẽ được xây dựng thành thành phố sinh thái trên nền tảng phát triển để bảo tồn văn hóa của Hội An - Ảnh: Kim Em

Theo đề án, Hội An chọn lựa mô hình xây dựng thành TP sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội. Ông Lê Văn Giảng, chủ tịch UBND TP, cho biết quá trình xây dựng Hội An - TP sinh thái được chia thành ba giai đoạn: từ nay đến năm 2015, từ 2016-2020 và từ 2021-2030. Hội An tập trung đảm bảo môi trường tự nhiên thoáng - xanh - sạch - đẹp, môi trường xã hội thuận tiện - an toàn - văn minh - thân thiện và có bản sắc địa phương, đảm bảo sự bền vững.

Một số tiêu chí thành phố sinh thái Hội An năm 2030

Diện tích đất giao thông đạt hơn 22m2/người, cây xanh công cộng hơn 21m2/người. Nước sạch cho người dân đạt 100%. Chất lượng không khí, tiếng ồn, tỉ lệ nước thải sinh hoạt đạt 90-100% theo TCVN. Tỉ lệ gia đình không xả rác thải, thu gom chất thải rắn đạt 100%. Ngoài ra, trên 30 tiêu chí khác quan trọng với đời sống dân sinh và văn hóa của TP cũng đạt 85-100%.

TP ưu tiên khuyến khích phát triển giao thông công cộng, hạn chế phát triển các phương tiện giao thông cá nhân, từng bước triển khai mạng lưới điện ngầm. Hệ thống thoát nước và xử lý vệ sinh môi trường được khẩn trương xây dựng để đưa vào sử dụng. Các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường được di dời vào các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của TP. Duy trì, phát huy công tác bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái biển Cù Lao Chàm, rừng ngập nước Cẩm Thanh, các hệ sinh thái làng quê...

Đặc biệt, Hội An chú trọng phát triển du lịch sinh thái, không cấp phép cho các hoạt động du lịch diễn ra ở các khu vực nhạy cảm về sinh thái nhằm bảo đảm đa dạng sinh học và sinh cảnh quý giá của địa phương.

Đề án cũng nêu rõ trong khu vực nội thành Hội An phát triển và hình thành tổng thể kiến trúc đô thị trên cơ sở bảo tồn khu phố cổ, chỉnh trang các khu phố cũ, xây dựng các khu phố mới theo định hướng quy hoạch. Coi trọng nguyên tắc gắn công trình riêng lẻ với tổng thể kiến trúc đô thị, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống và kiến trúc hiện đại, khuyến khích xu hướng kiến trúc sinh thái. Ông Trương Văn Bay, phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết hiện trạng khu phố cổ khu vực I đang bảo tồn phải được giữ nguyên thì dân cư đô thị sẽ được giãn ra vùng ven.

Thách thức

Hiện nay, theo đánh giá của Phòng tài nguyên - môi trường TP, môi trường biển, sông, hồ tại Hội An chưa bị ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, dấu hiệu về suy giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau đã bắt đầu, đặc biệt là tác hại của việc xâm thực của biển. Ngoài ra trong quá trình đô thị hóa và phát triển du lịch, một số nơi đã bị ô nhiễm khí SO2, NO2, tiếng ồn, bụi bặm phát tán cùng gần 40 tấn rác thải mỗi ngày là một thách thức lớn.

Nhiều đại biểu HĐND TP tỏ ra băn khoăn về việc di tích xuống cấp nhanh, văn hóa thay đổi do tiếp thu những luồng văn hóa khác nhau, áp lực từ du lịch mang lại. Theo ông Trần Chương - Phòng quản lý đô thị TP Hội An, ở nước ta việc xây dựng đô thị sinh thái là vấn đề còn mới mẻ, chưa có mô hình mẫu, mỗi địa phương đang vận dụng một cách khác nhau.

Còn Hội An với thế mạnh đặc biệt là di sản văn hóa thế giới, lại ôm trong mình khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm nên khi Hội An xây dựng mô hình “TP sinh thái” cần chú trọng giáo dục và nâng cao nhận thức cho cư dân về cách ứng xử của con người với môi truờng.

Ông Nguyễn Sự - bí thư Thành ủy Hội An, chủ tịch HĐND TP - khẳng định việc xây dựng Hội An thành TP sinh thái “phải làm sao cân bằng giữa tính hiện đại và văn hóa bản địa. Nếu phải chọn để phát triển, chúng tôi chọn sự phát triển trên nền tảng văn hóa để bảo tồn Hội An”.


Theo Địa Ốc TTO

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)