Ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong - cho biết, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) được Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020, các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 95 - 96% tổng GDP, trong đó tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt khoảng 44%. GDP bình quân đầu người đạt trên 5.000 USD; tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người lên 5.400 USD/năm và đóng góp khoảng 55 - 60% thu ngân sách cả nước thời kỳ 2011 - 2020.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phần lớn công nhân lao động trong các KCX, KCN là người ngoại tỉnh, nhà ở cho công nhân lao động tại khu vực này hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Còn lại, phần lớn đang phải ở trọ với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng sức khỏe, tác động xấu đến năng suất lao động, đây cũng là bức tranh chung của công nhân lao động Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, tính đến đầu năm 2018 có khoảng 1,2 triệu công nhân tại KCN có nhu cầu về chỗ ở, dự kiến đến năm 2020 vào khoảng 1,7 triệu người, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm trên 50% tổng số lao động đang làm việc trong các KCN, nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), TP. Hồ Chí Minh (63%), Đồng Nai (60%)…
Đối với dự án nhà công nhân hiện nay đã hoàn thành 100 dự án, quy mô xây dựng khoảng 41.000 căn, tổng diện tích khoảng 2.050.000 m2, bố trí chỗ ở cho khoảng 330.000 người lao động (đáp ứng khoảng 28% so với nhu cầu) và đang tiếp tục triển khai 73 dự án với khoảng 88.000 căn hộ (khoảng 704.000 chỗ ở). Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có 34 dự án đã hoàn thành (5.700 căn hộ), 15 dự án đang triển khai (17.200 căn); Đồng Nai có 1 dự án hoàn thành (146 căn hộ), 2 dự án đang triển khai (4.000 căn hộ), 13 dự án đang chuẩn bị đầu tư (64,35ha đất); Bình Dương có 5 dự án đã hoàn thành (3.430 căn hộ), 5 dự án đang triển khai (6.800 căn)…
"Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đó là sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ cho Ngân hàng Chính sách xã hội", ông Ninh cho biết thêm.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh - ông Lê Hoàng Châu - cho rằng, TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 8,9 triệu người nhưng ngành công an thống kế có khoảng 13 triệu người đang sinh sống, trong đó gần 300.000 người lao động đang làm việc tại 17 KCN, KCX. Hiện có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân, chiếm gần ¼ tổng số hộ gia đình. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ cán bộ, công chức chưa sở hữu nhà ở; có 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; có 143.000 hộ có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Trước thực trạng thiếu chỗ ở trầm trọng dành cho người lao động như hiện nay, ông Châu đề xuất cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án nhà trọ, phòng trọ để giải quyết nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người có thu nhập thấp ở đô thị, người nhập cư. Phương thức thực hiện dưới hình thức xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân để phát triển nhà ở, giải quyết bài toán nhà ở, vốn đang bức bách hiện nay.

Người lao động có thu nhập thấp ở khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn bức bách về nhà ở
Ông Quách Cường - Phó Bí thư Đảng ủy Saigon Co.op - thông tin, để giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động, nhiều năm qua Saigon Co.op đã có nhiều chính sách để hỗ trợ. Cụ thể, Saigon Co.op đầu tư hơn 113 tỷ đồng xây chung cư ở Gò Vấp có tổng diện tích sàn 10.167m2, xây 12 tầng gồm 99 căn hộ, năm 2020 bàn giao nhà và sẽ bán cho đội ngũ cán bộ Saigon Co.op theo chính sách ưu đãi. Chương trình thứ hai là người lao động có thâm niên 10 năm nếu mua nhà sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng/người; nếu thuê nhà sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng/người trong liên tục 10 năm. “Chính sách này được triển khai từ năm 2015, hiện đã có 83 nhân viên Saigon Co.op được hỗ trợ mua hoặc thuê nhà với số tiền tương ứng là 16.2 tỷ đồng. Tuy nhiên, để người lao động có nơi an cư dễ dàng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn để DN có thể xây nhà nhằm bán hay cho người lao động thuê dài hạn để ở”, ông Cường nêu.
Đại diện cho các DN đang xây dựng nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành - bức xúc nêu, thủ tục xin dự án nhà ở xã hội khó hơn nhà thương mại, đây là một nghịch lý đang tồn tại. Cái khó thứ hai là về dân số, nhà ở xã hội có diện tích nhỏ hơn so với nhà thương mại, khi quy hoạch thì số lượng căn hộ nhiều hơn số lượng cư dân quy hoạch. Mặt khác dự án nhà xã hội phải cùng Nhà nước làm hạ tầng trong khi nhà thương mại không phải tham gia. Chưa hết, hiện nay có một thực tế đang diễn ra là người dân không thích mua nhà dưới 30m2 mà lựa chọn nhà trên 40m2.
Ông Nghĩa kiến nghị, Nhà nước cho phép doanh nghiệp xây nhà dưới 20m2 để cho thuê. Người dân ở nhà ở xã hội hiện nay đang phải đóng phí xử lý nước thải gấp 2 lần người ở nhà phố. Bởi người ở nhà phố khi đóng tiền nước đã có luôn khoản phí xử lý nước thải. Còn người ở nhà ở xã hội cũng phải đóng khoản này rồi nhưng còn phải đóng thêm một khoản nữa là phí xây bể, vận hành bể xử lý. “Vì sao người giàu chúng ta chỉ đóng phí xử lý nước thải có một lần còn người nghèo lại phải đóng đến 2 lần, như vậy là quá bất hợp lý”, ông Nghĩa dẫn chứng.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, “khó như xây nhà cho công nhân ở” vì có những ràng buộc về mặt chính sách thiếu phù hợp thực tiễn, cùng với sự chưa quan tâm đúng mực của các chính quyền địa phương và sự thiếu “mặn mà” của các DN thuê lao động đối với vấn đề an sinh của người làm thuê, vì thế chuyện an sinh cho người lao động thực tế vẫn nằm ở trạng thái khó giải tỏa nổi bức xúc của hàng triệu người đang cần một chốn nương thân.
Theo báo Công thương điện tử