Đó là Nhà máy Vietstar và Nhà máy Tâm Sinh Nghĩa có cùng công suất đốt 2.000 tấn rác/ngày. Đây là giải pháp xử lý rác thải được TP Hồ Chí Minh khuyến khích, nằm trong lộ trình giảm tỷ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp. Dự kiến, đến năm 2020 thành phố sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp rác còn 50%; năng lượng điện thu được từ đốt rác trong giai đoạn 2020-2021 khoảng 98 MW, đến năm 2025 khoảng 138 MW và đến năm 2030 có thể lên đến 198 MW.
Nếu cả hai nhà máy nêu trên hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2020 như cam kết, thì trong giai đoạn 1, lượng rác được đốt để phát điện là 4.000 tấn/ngày; đến năm 2021 là 7.000 tấn/ngày. Thành phố đang chuẩn bị đấu thầu lựa chọn thêm hai nhà máy đốt rác phát điện với tổng lượng rác 2.000 tấn/ngày, dự kiến từ sau năm 2021, sẽ nâng tổng công suất xử lý rác thải của thành phố bằng phương pháp đốt phát điện lên 9.000 tấn/ngày.
So với phương pháp chôn lấp truyền thống, công nghệ đốt rác phát điện có nhiều ưu điểm nổi trội hơn như xử lý triệt để tình trạng mùi hôi và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; tận dụng nguồn nhiệt lượng phát sinh để phát điện; tiết kiệm diện tích sử dụng đất; góp phần giảm phát thải khí thải nhà kính. Giá đầu tư công nghệ đốt rác phát điện cũng không quá cao so với công nghệ chôn lấp… Do đó, lãnh đạo thành phố rất trân trọng những nỗ lực và đóng góp của nhà đầu tư nhằm giúp thành phố phát triển bền vững và cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực đốt rác phát điện.
Tuy nhiên, hiện nay, mỗi ngày thành phố thải ra 9.000 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp, rác y tế), bình quân mỗi năm tăng thêm 10% lượng rác phát sinh… là vấn đề cần được tính toán để có bước đi phù hợp tình hình thực tế trong việc quy hoạch các khu xử lý rác tập trung và ứng dụng công nghệ mới. Trên địa bàn thành phố vẫn còn những đơn vị thu gom, xử lý rác quy mô lớn bằng phương pháp chôn lấp đang chậm chạp trong việc chuyển đổi công nghệ xử lý…
Từ kế hoạch đến việc thực thi cần một khoảng thời gian, từ việc động thổ công trình đến ngày đưa vào vận hành cần sự nỗ lực, quyết tâm lớn từ chủ đầu tư và cả các ngành chức năng của thành phố. Để có thể đạt được chỉ tiêu đốt rác phát điện 5.000 tấn/ngày vào cuối năm 2020, đòi hỏi chính quyền thành phố cần chủ động tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư về các cơ chế, chính sách; ngành điện có kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện, trạm đấu nối đồng bộ khi các dự án đốt rác phát điện vận hành. Để thu hút nhiều hơn những nhà đầu tư có kinh nghiệm tham gia các dự án đốt rác phát điện theo quy hoạch của thành phố, đòi hỏi các sở, ngành chức năng, chính quyền thành phố cần có chính sách thật linh hoạt, hợp lý, nhất quán về lĩnh vực này.
Với các nhà máy xử lý rác vẫn còn sử dụng công nghệ chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống của người dân mà chi phí xử lý lại cao, thành phố cần quyết liệt đưa ra lộ trình cụ thể để yêu cầu các cơ sở này phải chuyển đổi công nghệ. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền trong nhân dân thực hiện sâu rộng chương trình phân loại rác tại nguồn một cách đồng bộ, tránh tính phong trào để quá trình thu gom, xử lý rác và khâu tái chế rác mang lại hiệu quả cao…
Theo Nhân dân điện tử