Phó Tổng giám đốc TCty, phụ trách dự án Ngô Ngọc Sơn cho biết, để đẩy nhanh việc hoàn thành công tác xây dựng nhà máy và lắp đặt các thiết bị, tổng thầu EPC cũng như chủ đầu tư là Cty CP Xi măng Sông Thao đã phải huy động tổng lực cho công trường với trên 1.000 cán bộ, công nhân và hơn 20 chuyên gia của Đức và Trung Quốc - phía cung cấp thiết bị và tư vấn thiết kế. Đặc biệt, các hạng mục triển khai có tính chất kỹ thuật rất khó lại đan xen trong phạm vi mặt bằng chật hẹp, có độ cao lớn và các hố móng sâu đến 13m... địa chất phức tạp đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thi công. Tuy nhiên tất cả các hạng mục, phần việc đều tuân thủ, bảo đảm yêu cầu về chất lượng cũng như yêu cầu thiết kế.
Cho đến thời điểm này, toàn bộ giá trị thực hiện của Nhà máy hiện nay đã hoàn thành gần 1.450 tỷ đồng, đạt 95%, trong đó hợp đồng EPC thực hiện được 1.215 tỷ đồng. Nhà máy đã tiến hành chạy thử có tải xong đập đá vôi, trạm đập sét, kho đá vôi, kho phụ gia tổng hợp và chạy thử đơn động không tải các hạng mục trạm cân đong nghiền liệu, công đoạn nghiền liệu, si lô đồng nhất phối liệu, lò nung, nhà làm nguội clinker, nhà đóng bao và sản xuất xi măng... Trạm điện khu vực cũng đã vận hành.
Chuẩn bị tốt khai thác, cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, các dự án mỏ đá vôi, mỏ đá sét đã được triển khai xong các hạng mục đường ôtô, trạm điện, các khu phụ trợ khác và đang khai thác phục vụ chạy thử. Dự án mỏ cao silic hoàn thành giai đoạn I và đi vào khai thác chạy thử.
Theo ông Ngô Ngọc Sơn, đầu tư xây dựng đưa nhà máy vào sản xuất là một quá trình gian khó phải vượt qua, nhưng việc duy trì vận hành sản xuất nhà máy cũng là một chặng đường thử thách, nhất là với một đơn vị mới thành lập, lần đầu tham gia SXKD như Xi măng Sông Thao, kinh nghiệm quản lý, vận hành nhà máy gần như chưa có. Xác định được vấn đề này nên ngay từ những ngày đầu xây dựng nhà máy, Cty đã đầu tư tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với việc thu hút cán bộ, công nhân có trình độ kinh nghiệm về lĩnh vực sản xuất xi măng, Cty đã tuyển dụng 180 lao động là người địa phương sau đó đưa đi đào tạo vận hành thiết bị sản xuất xi măng tại trường CĐ Hoá chất 18 tháng. Số công nhân này còn được thực hành tại các công trình đang thi công của Lilama như tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các nhà máy xi măng Bút Sơn, Tam Điệp... Khi nhà máy đi vào giai đoạn lắp đặt thiết bị, vận hành thử, tất cả các công nhân tuyển dụng đều được thực tập ngay tại các bộ phận mà sau này họ sẽ làm việc tại đó. Ngoài ra Cty còn cử các kỹ sư, công nhân kỹ thuật sang học tại Singapore và Trung Quốc về điều khiển hệ thống cũng như vận hành thiết bị.
Cùng với thi đua nước rút trên công trình, chuẩn bị vận hành nhà máy cho ra sản phẩm, Cty thành lập phòng kinh doanh tiến hành nghiên cứu thị trường và xây dựng phương án kinh doanh tổng thể, xác định rõ thị trường, cơ cấu giá thành, giá bán cùng các cơ chế bán hàng cũng như thiết lập hệ thống phân phối và đại lý trên thị trường đã xác định.
Tất cả đã sẵn sàng cho sự hiện diện của thương hiệu Xi măng Sông Thao trên thị trường, đánh dấu sự thành công trong một lĩnh vực mới của HUD là đầu tư kinh doanh công nghiệp sản xuất VLXD.
Theo Báo Xây dựng điện tử