Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An gửi tới sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Văn phòng Chính phủ chuyển tới với nội dung kiến nghị: “Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm rà soát giữa dân số, tốc độ tăng dân số, diện tích đất ở, diện tích sàn xây dựng nhà ở trong các Khu dân cư, Khu đô thị đã và đang hoạt động. Các chỉ tiêu về đất ở, diện tích sàn trong thời gian tới đã phù hợp với dân số của từng địa phương chưa? Sự hợp lý trong các số liệu, chỉ tiêu của các Chương trình phát triển nhà và thực tế tiếp nhận dự án Khu dân cư, Khu đô thị,… để không xảy ra tình trạng cung vượt rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Đồng thời, cần có giải pháp phát huy hiệu quả việc sử dụng các dự án bị bỏ hoang, ngăn chặn không để phát sinh thêm các dự án bất động sản mới tiếp tục bị bỏ hoang trong thời gian tới”.
Về kiến nghị này, Bộ Xây dựng đã có công văn 5680/BXD-QLN xin trả lời như sau:
1. Về sự phù hợp các chỉ tiêu về đất ở, diện tích sàn trong thời gian tới với dân số của từng địa phương, sự hợp lý trong các số liệu, chỉ tiêu của các Chương trình phát triển nhà ở và thực tế tiếp nhận dự án Khu dân cư, Khu đô thị
Theo quy định của pháp luật nhà ở (tại Điều 27 Luật Nhà ở năm 2023, Điều 9 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở) thì chỉ tiêu về diện tích sàn nhà ở tại các địa phương đang được quy định trong các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt (Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025).
Hiện nay, tại Điều 26 Luật Nhà ở năm 2023 (được kế thừa từ Điều 15 Luật Nhà ở năm 2014) quy định: chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh được xây dựng căn cứ vào chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết quả thực hiện chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh kỳ trước, hiện trạng nhà ở, nhu cầu về nhà ở trong giai đonạ xây dựng chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh.
Tại điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định nội dung chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; trong đó đã: “xác định nhu cầu về nhà ở (số lượng, loại nhà, tổng diện tích sàn xây dựng); nhu cầu về diện tích đất để xây dựng các loại nhà ở của từng khu vực trên địa bàn; trong đó cần xác định cụ thể nhu cầu về nhà ở của các nhóm đối tượng cần hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở; nhu cầu về vốn (vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác) để đầu tư xây dựng nhà ở”.
Theo các quy định nêu trên, các chỉ tiêu về nhà ở trong các chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh hiện nay là đồng bộ với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan; đồng thời khi xây dựng các chỉ tiêu phát triển nhà ở trong chương trình thì đã xem xét, đánh giá nhu cầu nhà ở của địa phương.
Việc xác định quy mô dân số, diện tích đất ở và diện tích sàn xây dựng nhà ở trong các khu dân cư, khu đô thị được xác định trong các quy hoạch chi tiết, thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND các cấp tại địa phương. Do đó, kiến nghị cơ quan quản lý tại địa phương theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện giám sát việc lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tại địa phương; bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch cấp trên và các quy định pháp luật khác có liên quan.
2. Về giải pháp phát huy hiệu quả việc sử dụng các dự án bị bỏ hoang, ngăn chặn không để phát sinh thêm các dự án bất động sản mới tiếp tục bị bỏ hoang trong thời gian tới
Hiện nay, Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, đồng thời tiếp tục quy định về “dự kiến tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở tăng thêm ..” (điểm c khoản 1 Điều 27 Luật Nhà ở năm 2023) để đảm bảo mối liên hệ giữa nhu cầu và chỉ tiêu phát triển nhà ở của địa phương.
Tại điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ đã bổ sung quy định về nội dung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; cụ thể là: “Dự kiến thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án, tiến độ thực hiện dự án trên cơ sở đánh giá hiện trạng nhà ở, khả năng cân đối cung - cầu về nhà ở, tốc độ đô thị hóa, khả năng đáp ứng yêu cầu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại khu vực dự kiến thực hiện dự án, tại thời điểm xây dựng kế hoạch”.
Ngoài ra, tại điểm e khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 quy định nội dung đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm : “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; …”
Tại điểm c khoản 5 Điều 15 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ đã bổ sung quy định về sự phù hợp của các nội dung đề xuất về nhà ở với nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; trong đó khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì cơ quan quản lý nhà ở đánh giá về “sự phù hợp của địa điểm thực hiện dự án với khu vực dự kiến phát triển nhà ở theo dự án trên địa bàn hành chính cấp huyện nơi có dự án; sơ bộ diện tích sàn xây dựng các loại nhà ở của dự án (nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở để phục vụ tái định cư, nhà ở công vụ) với các dự án nhà ở khác được thực hiện tại cùng khu vực và trong cùng giai đoạn của chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, bảo đảm không vượt quá các chỉ tiêu nêu trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở;...”
Mặt khác, đối với nhà ở đã hoàn thành việc nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng nhưng chưa bố trí sử dụng thì Luật Nhà ở năm 2023 đã có quy định về việc chuyển đổi công năng nhà ở (tại Chương IX) để các nhà ở này có thể được khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh bị bỏ hoang, lãng phí.
Liên quan đến việc ngăn chặn không để phát sinh thêm các dự án bất động sản mới tiếp tục bị bỏ hoang trong thời gian tới:
Theo quy định của pháp luật, quá trình triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh bất động sản của dự án bất động sản phải tuân thủ nhiều hệ thống pháp luật, như pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản…..
Theo quy định của pháp luật về đất đai, dự án bất động sản phải được triển khai đầu tư xây dựng, đưa đất vào sử dụng đất trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chủ đầu tư dự án nhận bàn giao đất. Quá thời hạn trên nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng mà không có lý do chính đáng thì chủ đầu tư dự án có thể bị thu hồi diện tích đất chủ đầu tư dự án đã nhận bàn giao để thực hiện dự án.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư, chủ đầu tư dự án sẽ bị xử phạt nếu không thực hiện triển khai đầu tư xây dựng theo tiến độ, nội dung dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Do vậy, để hạn chế tình trạng có dự án bất động sản bỏ hoang, chậm triển khai… như phản ánh của cử tri tỉnh Long An, các địa phương cần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh đối với các dự án bất động sản theo các quy định của pháp luật.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5680/BXD-QLN.