Trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Thứ năm, 02/01/2020 09:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Văn bản số 415/BND ngày 08/11/2019. Nội dung kiến nghị: “Hiện nay, việc quy hoạch treo, quy hoạch kéo dài nhiều năm (có nơi quy hoạch trên 20 năm) chưa thực hiện đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhiều khu vực của Thành phố. Cử tri kiến nghị Bộ Xây dựng cần xem xét đến việc quy hoạch các công trình hạ tầng (cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng khác,...) trong các đồ án quy hoạch đô thị. Các quy hoạch này chậm được thực hiện, không được điều chỉnh theo luật định đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bộ Xây dựng có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 3037/BXD-QHKT (30/12) trả lời như sau:

Tình trạng “quy hoạch treo” hay “dự án treo” do việc tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện quy hoạch đối với đất được quy hoạch công trình hạ tầng công cộng, cây xanh. Đây là hiện tượng không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi hợp pháp, cuộc sống người dân như cử tri đã nêu mà còn gây lãng phí tài nguyên, giảm hiệu quả, chất lượng của đô thị và gây bức xúc trong xã hội.

Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 59/2018/QH14 ngày 16/6/2018 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 về thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 28/BC-BXD, ngày 15/3/2019 về vấn đề này; trong đó, Bộ Xây dựng đã xác định rõ các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị Quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị

Liên quan đến vấn đề cử tri kiến nghị về việc Nhà nước cần có giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người dân trong khu vực quy hoạch, theo các văn bản pháp luật hiện hành trong lĩnh vực xây dựng đã có quy định như sau: 

- Khoản 7 Điều 62 Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định “sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt và công bố, nếu Nhà nước chưa thực hồi việc thu hồi thì các tổ chức, cá nhân trong khu vực quy hoạch được phép tiếp tục khai thác sử dụng, cải tạo, sửa chữa và xây dựng tạm theo quy định của pháp luật về xây  dựng.”

- Điểm a Khoản 1 Điều 94 Luật Xây dựng 2013  quy định điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn bao gồm “thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;” và tại khoản 5 Điều 94 quy định “Đối với công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới mà chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo.”

Quan điểm của Bộ Xây dựng là Nhà nước phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân tại vùng bị quy hoạch treo, dự án treo. Với trách nhiệm quản lý nhà nước được giao trong lĩnh vực xây dựng, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng  sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như sau: 

- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Nghị Quyết số 82/20019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 06/12/2019 của Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị

- Đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư (BT, PPP,...) cho việc đầu tư các công tình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông. 

- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển theo đô thị theo quy hoạch được duyệt;

- Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Chính quyền các địa phương cần thực hiện:  

- Rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. 

- Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định.

- Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị.

- Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị.

-  Cụ thể hóa các quy định các văn bản pháp luật phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương trong việc tham gia của cộng đồng dân cư; việc giám sát của người dân và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương; phố biến và tuyên truyền sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện quy hoạch.

- Tăng cường việc tuyên truyền và phổ biến sâu rộng đến người dân và doanh nghiệp các quy định của pháp luật về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và quản lý đất đai nhằm hiểu đúng và áp dụng đúng, bảo đảm việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai thực sự có hiệu quả, đặc biệt tại các đô thị.

- Kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3037/BXD-QHKT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)