Bộ Xây dựng trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Thứ sáu, 04/08/2017 16:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng nhận văn bản số 6944/VPCP-QHĐP của Văn phòng Chính phủ chuyển tiếp kiến nghị của cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế gửi tới kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XIV thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Xây dựng.

Nội dung cụ thể như sau: “Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm cho phép tỉnh lập Đề án cơ chế hỗ trợ cho đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Huế (Phạm vi Đô thị Huế theo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Huế) với một số nội dung liên quan đến việc phân cấp quản lý nhà nước về đô thị, quy hoạch…(tại Thông báo số 09-TB/BKTTW ngày 30/3/2016 của Ban Kinh tế Trung ương thống nhất chủ trương xây dựng cơ chế đặc thù đối với “Đô thị di sản Huế”)”.

Về vấn đề này, ngày 03/8/2017 Bộ Xây dựng có công văn số 1785/BXD-PTĐT trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế như sau :

1. Thực trạng phát triển đô thị Huế và nội dung Thông báo số 09-TB/BKTTW ngày 30/3/2016 của Ban Kinh tế Trung ương:

Theo Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến 2025 và tầm nhìn đến 2050, được phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Huế được xác định là một trong các đô thị trung tâm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị có Kết luận số 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó nêu rõ “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới…Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Á”

Để triển khai thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh đến năm 2020 tại Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17/6/2009. Tỉnh ủy đã ban hành 04 Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. UBND Tỉnh đã ban hành nhiều Chương trình và kế hoạch cụ thể thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy.

Về công tác quy hoạch: UBND Tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh theo định hướng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương tại Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 3/2/2012; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014.

Về hệ thống đô thị của tỉnh hiện tại gồm có 01 đô thị loại I (thành phố Huế), 03 đô thị loại IV (gồm thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thị trấn Thuận An), 07 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 49%.

Năm 2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới toàn bộ tỉnh Thừa Thiên Huế và xin ý kiến nhiều Bộ ngành, cơ quan liên quan trước khi trình lấy ý kiến Bộ Chính trị. Ngày 1/8/2014, Ban Chấp hành Trung ương ra thông báo số 175-TB/TW Kết luận của Bộ Chính trị “tiếp tục chuẩn bị kỹ về mọi mặt và hoàn chỉnh đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Để tiếp tục thực hiện Thông báo số 175-TB/TW ngày 1/8/2014 của Bộ Chính trị khóa XI, Ban Kinh tế Trung ương đã thống nhất chủ trương cần xây dựng cơ chế đặc thù đối với “Đô thị di sản Huế” nhằm gắn công tác bảo tồn tôn tạo di sản với phát triển kinh tế - xã hội và đề nghị tỉnh chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án cụ thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền (Thông báo số 09-TB/BKTTW 30/3/2016 của Ban Kinh tế Trung ương).

2. Đánh giá, đề xuất:

Thành phố Huế đã được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh tại Quyết định số 209/2005/QĐ-TTg ngày 24/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ), dự kiến thành phố mở rộng gấp gần 5 lần, từ quy mô hiện nay là 70,99km2 lên 348,54 km2 và trở thành khu vực đô thị trung tâm của đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai. So với yêu cầu quy định đối với khu vực nội thị của đô thị loại I trực thuộc Trung ương, quy mô dân số và mật độ dân số thành phố Huế và vùng phụ cận đáp ứng được 70% yêu cầu của ngưỡng tối thiểu. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 86%, đáp ứng yêu cầu ngưỡng tối thiểu theo quy định. Mức độ phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật như mật độ giao thông, thoát nước…còn đạt thấp so với yêu cầu. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt cao ở khu vực thành phố hiện hữu nhưng vẫn thấp ở khu vực mở rộng. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết mới đạt 12% trên toàn thành phố. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư, cải tạo chỉnh trang đô thị còn gặp khó khăn. Tỷ lệ các dự án chậm, ngừng triển khai chiếm 40% tổng số dự án và hơn 60% tổng vốn đầu tư, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và môi trường đầu tư của tỉnh.

Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng đô thị loại I trực thuộc Trung ương, tạo động lực cho phát triển thành phố hướng tới mục tiêu thành lập đô thị Huế trực thuộc Trung ương, việc xây dựng đề án cơ chế hỗ trợ cho đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Huế với phạm vi mở rộng là cần thiết. Bộ Xây dựng đồng tình và ủng hộ đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế về việc lập Đề án cơ chế hỗ trợ cho đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Huế. Đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế sớm tổ chức nghiên cứu, lập đề án và trình Chính phủ theo quy định.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1785/BXD-PTĐT.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)