Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Thứ năm, 02/08/2018 15:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Bộ Xây dựng đã nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh Bạc Liêu, Đắk Lắk, Nam Định do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 251/BDN thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ xây dựng với nội dung kiến nghị: “Theo Quyết đinh số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo so với hiện nay thấp. Đề nghị Nhà nước tăng mức hỗ trợ cho vay để sửa chữa nhà ở vì chi phí vật tư xây dựng hiện nay rất cao so với mức cho vay theo quy định”. 

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 1905/BXD-QLN ngày 02/8/2018 xin trả lời như sau:

Sau khi tổng kết chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 (sau đây gọi là Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg). Để phù hợp với chủ trương huy động nhiều nguồn lực, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước, đồng thời tăng tính chủ động của địa phương và người dân, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg đã chuyển từ phương thức hỗ trợ trực tiếp sang phương thức hỗ trợ gián tiếp (mỗi hộ được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ tối đa là 10 năm bắt đầu từ năm thứ 6). Tại thời điểm ban hành quyết định, với mức vay ưu đãi 25 triệu/hộ, cùng việc huy động thêm các nguồn lực từ gia đình, họ hàng và cộng đồng, hộ gia đình có thể xây dựng một ngôi nhà có diện tích tối thiểu 24m2, tuổi thọ trên 10 năm, có giá thành xây dựng khoảng 40 triệu đồng.

Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương cho thấy, mức vay ưu đãi 25 triệu/hộ cơ bản phù hợp với đa số đối tượng tại các vùng miền trên cả nước. Một số đối tượng khác là những hộ nghèo tại vùng sâu, vùng xa, hộ già cả, neo đơn... gặp khó khăn trong việc xây dựng nhà ở với mức hỗ trợ như trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã có thể chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại địa phương phối hợp, tham gia, tổ chức xây dựng nhà ở cho các đối tượng này theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân cải thiện nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương chủ động cân đối, bố trí một phần ngân sách cũng như kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức Chính trị Xã hội trên địa bàn tham gia để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở, nêu cao tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ngoài ra, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

Với trách nhiệm của mình, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho khoảng 300 nghìn hộ gia đình nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực nông thôn theo đúng kế hoạch đề ra. Về đề nghị nâng hạn mức cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống, Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri các tỉnh Bạc Liêu, Đắk Lắk, Nam Định để tổng hợp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 1905/BXD-QLN. 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)