Bộ Xây dựng trả lời chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh

Thứ hai, 16/11/2015 10:08
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
"Hiện nay, Bộ Xây dựng đã và đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục vay vốn, thúc đẩy nguồn cung về nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng" - Đó là một trong những nội dung trong công văn ngày 12/11/2015 của Bộ Xây dựng trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Lập - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thu nhập thấp có thể sở hữu nhà ở.

Về kết quả giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết: Đến ngày 31/10/2015, cam kết cho vay đã đạt 72%, tuy nhiên công tác giải ngân mới chỉ đạt 45% là do việc giải ngân phụ thuộc vào tiến độ thực hiện của dự án. Để đạt được kết quả như trên, Bộ Xây dựng đã phối hợp rất chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở. Với kết quả ký hợp đồng cam kết và giải ngân như thời gian gần đây thì dự kiến cuối quý I/2016 các ngân hàng thương mại sẽ cam kết cho vay đạt mốc 30.000 tỷ đồng.

Trước băn khoăn của Đại biểu quốc hội Huỳnh Thành Lập về việc chậm giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã nêu lên những nguyên nhân khiến kết quả giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chưa được như mong muốn, như sau:

Thứ nhất: Nghị quyết số 02/NQ-CP không đặt ra thời hạn cụ thể phải hoàn thành việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước đã quy định thời hạn thực hiện tối đa là 36 tháng, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (Từ ngày 1/6/2013). Việc đưa ra thời hạn thực hiện đã tạo ra sức ép về thời gian phải hoàn thành, từ đó dư luận cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ bị chậm so với thời hạn quy định.

Thứ hai: Mặc dù các địa phương đã có nhiều cố gắng thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ, tuy nhiên so với nhu cầu thực tế thì vẫn có rất ít nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích phù hợp với giá bán thấp để bán cho người dân, nên người dân chưa thể ký hợp đồng để được vay vốn theo quy định. Để triển khai dự án đầu tư bất động sản nói chung và dự án nhà ở xã hội nói riêng phải có thời gian từ 3 - 5 năm. Do vậy, việc đưa ra thời hạn 36 tháng để hoàn thành gói hỗ trợ là chưa thực sự phù hợp.

Bên cạnh đó, một số UBND phường, xã chưa nắm vững thủ tục quy định, dẫn tới sự chậm trễ trong quá trình xác nhận về thực trạng nhà ở và tình trạng cư trú để người mua hoàn thành thủ tục vay vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định. Văn bản hướng dẫn việc công chứng, thế chấp nhà ở và hình thành nhà trong tương lai chưa được ban hành kịp thời để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục cho vay vốn.

Thứ ba: Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không phải do ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp mà được thực hiện theo nguyên tắc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn để hỗ trợ các ngân hàng thương mại cho vay. Các ngân hàng thương mại phải sử dụng nguồn vốn huy động của người dân để thực hiện việc cho vay. Thực tế cho thấy số lượng khách hàng có nhu cầu vay vốn hỗ trợ là rất lớn, tuy nhiên trong đó có một tỷ lệ đáng kể chưa đáp ứng điều kiện cho vay của ngân hàng. Do đó, các đối tượng khách hàng có mức thu nhập quá thấp, mặc dù đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng, nhưng không chứng minh được khả năng trả nợ nên không được ngân hàng giải quyết cho vay vốn.

Thứ tư: Trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay vốn, các ngân hàng phải xác định năng lực tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng theo trình tự, thủ tục và điều kiện quy định của pháp luật về tín dụng để bảo đảm khả năng thu hồi nợ, do đó đòi hỏi phải có quỹ thời gian nhất định để thực hiện theo quy trình quy định.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, nhà ở và kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát có hiệu quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, kế hoạch phát triển nhà ở đảm bảo cân đối cung cầu, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu về chỗ ở của người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách xã hội.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát cá dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn để phân loại các dự án được tiếp tục thực hiện, các dự án cần tạm dừng, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở, chuyển đổi sang phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và nguồn lực xã hội, đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp cho phù hợp và đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đặc biệt là giải quyết nhanh các thủ tục cho phép điều chỉnh cơ cấu dự án cho phù hợp với nhu cầu thị trường, thủ tục chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.


Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)