Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ gửi tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII

Thứ tư, 19/02/2014 10:55
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 18/02, Bộ Xây dựng đã có công văn 265/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ gửi tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII. Nội dung kiến nghị: Cử tri đề nghị Nhà nước nhanh chóng điều chỉnh những chủ trương, chính sách không còn phù hợp, không đi vào cuộc sống như Nghị định 71/2010/NĐ-CP...

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở, lĩnh vực nhà ở đã đạt được những thành tựu đáng kể, giải quyết cơ bản được nhu cầu về nhà ở của người dân, đặc biệt là việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp, người nghèo có khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước bảo đảm an sinh xã hội. Luật Nhà ở năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành trong đó có Nghị định số 71/2010/NĐ-CP đã tạo ra một hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh để điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở, bao gồm: phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở; quản lý, sử dụng, giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực nhà ở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì cũng đã xuất hiện nhiều tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi các văn bản pháp luật về nhà ở, nhiều nội dung đã không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhiều vấn đề mới phát sinh nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời. Để khắc phục những tồn tại bất cập một cách căn bản, toàn diện trong việc thực thi các quy định của pháp luật về nhà ở trong đó có những tồn tại, bất cập trong các quy định của Nghị định số 71/2010/NĐ-CP, ngày 26/11/2013 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 20/2011/QH13 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18/6/2013 về điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh Khóa XIII và Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội, trong đó giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2014.

Thực hiện các Nghị quyết nêu trên của Quốc hội và theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật này, đồng thời đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc thi hành Luật Nhà ở 2005 tại 2 miền với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành liên quan, một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước, các hiệp hội, hội nghề nghiệp có liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và các chuyên gia về bất động sản.

Bộ Xây dựng cũng đã đăng tải toàn văn dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trên website của Bộ Xây dựng để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân vào nội dung dự thảo Luật này. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các doanh nghiệp và ý kiến của người dân bằng văn bản cũng như thông qua ý kiến góp ý tại các cuộc hội thảo, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ, Bộ Xây dựng đã hoàn thiện lại dự thảo.

Hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu như:

- Điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến nhà ở phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Nhà ở với các đạo luật khác có liên quan như: Bộ Luật dân sự, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư…;

- Kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp, đồng thời bổ sung những vấn để mới phát sinh trong thực tiễn để tạo điều kiện cho việc phát triển và quản lý nhà ở theo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản nói chung trong đó có hoạt động kinh doanh nhà ở nói riêng phát triển hiệu quả, ổn định, công khai, minh bạch;

- Quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi), phù hợp với thực tiễn cuộc sống, với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và tính đặc thù của từng vùng, miền;

- Tăng cường sự quản lý thống nhất của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch trong phát triển và quản lý sử dụng nhà ở;

- Bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà, tiêu cực trong việc phát triển và quản lý nhà ở tạo môi trường thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở;

- Phù hợp với các cam kết quốc tế mà nước ta đã tham gia ký kết và từng bước thực hiện hội nhập quốc tế phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 265/BXD-QLN.

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)