Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội và Bình Thuận tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII

Thứ sáu, 26/04/2013 12:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 24/4, Bộ Xây dựng đã có công văn 716/BXD-GĐ trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội và Bình Thuận tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII về việc ban hành Luật Kỹ sư, Luật An toàn và chất lượng công trình và tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng như sau:

1. Về ý kiến của cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Kỹ sư, Luật An toàn và chất lượng công trình:

- Luật Kỹ sư: Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã ban hành Luật Kỹ sư chuyên nghiệp để quản lý các kỹ sư hành nghề kỹ thuật. Ở Việt Nam tuy chưa có Luật Kỹ sư nhưng đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khác nhau dưới luật điều chỉnh lĩnh vực này như các quy định quản lý năng lực hành nghề tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý dự án ... Như vậy, việc ban hành Luật Kỹ sư để điều chỉnh hoạt động của các kỹ sư chuyên nghiệp là cần thiết. Hiện nay, “Ủy ban giám sát của Việt Nam để thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ tư vấn kỹ thuật trong ASEAN” thuộc Bộ Xây dựng đang xem xét, nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về việc xây dựng Luật Kỹ sư .

- Luật An toàn và chất lượng công trình: Đối với lĩnh vực an toàn và chất lượng công trình, cũng có các quy định ở các VBQPPL khác nhau từ Luật Xây dựng 2003 đến các Nghị định hướng dẫn thi hành, các Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia do các Bộ, ngành ban hành đề cập (ví dụ: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về công trình thuỷ lợi, Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác than hầm lò, Quy định yêu cầu về an toàn hạt nhân đối với thiết kế nhà máy điện hạt nhân v.v...). Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức soạn thảo sửa đổi Luật Xây dựng dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2013. Đặc biệt, một số văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực thi hành như Nghị định số 15/2013/ NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (thay thế Nghị định số 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng và Nghị định số 49/2008/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 209/2004/NĐ- CP) đã có các quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình và các quy định về quản lý chất lượng, yêu cầu về trách nhiệm và chế tài cao hơn đối với các chủ thể tham gia xây dựng công trình và một số nội dung mới nhằm tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý chất lượng công trình xây dựng.

An toàn và chất lượng công trình là cả một quá trình xuyên suốt từ quy hoạch, khảo sát, thiết kế, thi công đến vận hành, sử dụng công trình và được thể hiện trong Luật Xây dựng, các Nghị định Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Quản lý chất lượng công trình xây dựng và các Thông tư hướng dẫn...

Việc xây dựng, ban hành Luật An toàn và chất lượng công trình hiện nay cần được nghiên cứu và đánh giá kỹ. Do vậy Bộ Xây dựng xin tiếp thu và sẽ giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết để Bộ Xây dựng báo cáo với Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới.

2. Về ý kiến của cử tri Bình Thuận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng:

Vấn đề chất lượng công trình xây dựng không những được Chính phủ, các Bộ ngành mà còn được toàn xã hội quan tâm. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng cũng như các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ nhằm quản lý chất lượng công trình xây dựng từ xây dựng thể chế, xây dựng và ban hành các VBQPPL đến việc nắm bắt, kiểm soát tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng trên phạm vi cả nước.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 về quản lý chất lượng công trình xây dựng, trong đó có một số nội dung mới nhằm tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý chất lượng công trình xây dựng như đăng ký thông tin nhà thầu, thẩm tra thiết kế, kiểm tra công trình xây dựng trước khi đưa vào sử dụng của cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang soạn thảo để ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP cụ thể, chi tiết hóa các nội dung của Nghị định 15/2013/NĐ-CP đảm bảo việc thực thi khi vận hành bao gồm cả việc làm rõ các hành vi vi phạm về quản lý chất lượng công trình trong xây dựng để có chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Việc hướng dẫn thực hiện các VBQPPL về xây dựng đã được chỉ đạo thường xuyên, kịp thời từ cấp Bộ đến các địa phương và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Việc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, cơ quan Thanh tra đã và đang thực hiện có hiệu quả góp phần tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng.

Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (Quyết định số 68/2006/QĐ-TTg ngày 22/3/2006) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng để đảm bảo việc chỉ đạo, kiểm soát công tác quản lý chất lượng các công trình trọng điểm, công trình quan trọng quốc gia.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 716/BXD-GĐ.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)