Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương

Thứ sáu, 28/03/2014 15:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 26/3, Bộ Xây dựng đã có công văn 535/BXD-Pt®t trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương về “Việc gia tăng dân số và đô thị hóa hiện nay dẫn đến nhiều vấn đề bất cập trong đời sống của người dân như thiếu nhà để ở ... Cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ cần nghiêm túc nhìn nhận thực trạng mà có giải pháp cần thiết để khắc phục”.

Trong những năm qua quá trình đô thị hóa ở Việt Nam gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khu vực đô thị có vai trò quan trọng, là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước. Việt Nam hiện có tốc độ đô thị hóa khá nhanh, tính đến năm 2013 cả nước có 770 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa 33,47% với dân số đô thị khoảng 30 triệu người. Hệ thống đô thị Việt Nam đang được phát triển theo hướng vừa tăng về số lượng vừa từng bước nâng cao về chất lượng. Các đô thị được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật - xã hội phù hợp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị có nhiều thay đổi, ngày càng ngăn nắp, dịch vụ đô thị được quan tâm phát triển. Nhìn chung, chất lượng sống của người dân đô thị đã từng bước được nâng cao.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, quá trình đô thị hóa nhanh đã kéo theo những tồn tại, bất cập. Việc phát triển đô thị còn tràn lan, tự phát. Quá trình đô thị hóa đã mở rộng phạm vi của đô thị, thu hút một lượng lớn lao động nhập cư, các khu vực trung tâm (nhất là ở các đô thị lớn) tập trung đông dân cư trong khi việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị chưa theo kịp, năng lực quản lý đô thị còn yếu, nguồn lực đầu tư còn hạn chế đã gây ra nhiều hậu quả: ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở, thiếu các dịch vụ đô thị,... Bên cạnh đó ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam ngày một rõ rệt. Việt Nam là một trong năm nước tại Đông Á sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một trong 3 đồng bằng có khả năng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Việt Nam xếp hạng 23 trong tổng số 30 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu.

Nhận thức rõ các vấn đề bất cập, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành liên quan có những giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn:

- Phê duyệt Điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009). Phủ kín quy hoạch làm cơ sở để quản lý phát triển đô thị.

- Xây dựng và hoàn thiện hàng lang pháp lý về đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nguồn vốn như: Các nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch đô thị, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ,…

Đối với lĩnh vực nhà ở: Để giải quyết vấn đề nhà ở tại khu vực đô thị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp theo Chính phủ đã ban hành Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó quy định các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho các đối tượng là công nhân lao động, sinh viên, người thu nhập thấp, người nghèo tại khu vực đô thị.

- Xây dựng các chương trình, dự án đầu tư nâng cấp đô thị, nhà ở: Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long,…

- Phê duyệt Đề án: “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015”.

- Phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020.

- Tổ chức diễn đàn đô thị Việt Nam để thúc đẩy đối thoại để chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết giữa các cơ quan nhà nước, các chuyên gia nghiên cứu, các tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ, các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà tài trợ với mục đích góp phần tích cực xây dựng và thực hiện các chính sách về quản lý và phát triển đô thị, cải thiện có hiệu quả các hoạt động về quản lý phát triển đô thị.

Tới đây Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ ngành tiếp tục hoàn thiện các chính sách về phát triển đô thị theo hướng tăng cường kiểm soát phát triển đô thị bảo đảm đô thị phát triển có trật tự, ngăn nắp; phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản,… đồng thời tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án lớn đang triển khai; đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 535/BXD-PTĐT.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)