Ngày 11/4/2013, tại Tp.Hồ Chí Minh, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Xe buyt nhanh (BRT) - những thách thức và lợi thế áp dụng cho các thành phố lớn tại Việt Nam" - chương trình thuộc Tiểu hợp phần III(D) Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội. Đây là một trong ba hợp phần của Dự án, được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tthông qua WB tài trợ, với nội dung cơ bản là tuyên truyền và nhân rộng mô hình BRT trên phạm vi cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có ông Ajay Kumar - chuyên gia cao cấp về phát triển giao thông đô thị của WB kiêm Giám đốc Dự án phát triển giao thông đô thị tại Hà Nội; đại diện UBND và các Sở, Ban ngành liên quan của nhiều tỉnh thành trên cả nước; lãnh đạo các Hội nghề nghiệp; đại diện của các trường Đại học, các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm tới vấn đề giao thông đô thị của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống giao thông công cộng là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ phát triển và chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Thực trạng giao thông hay ùn tắc tại nhiều thành phố lớn, đặc biệt là các thành phố của các nước châu Á, kéo theo những hệ lụy từ khói bụi, tiếng ồn đã gây nhiều trở ngại cho cuộc sống người dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế. Để khắc phục tình trạng này, nhiều giải pháp về phát triển giao thông công cộng (GTCC) đã được đưa ra, trong đó có giải pháp tìm kiếm hoặc đưa vào sử dụng loại hình vận tải công cộng mới như hệ thống xe buyt nhanh (BRT). Theo ông, giải pháp này rất hữu hiệu do có nhiều ưu điểm, đồng thời phù hợp với những nước đang phát triển còn eo hẹp về kinh tế. Loại phương tiện này đang được nghiên cứu và sẽ áp dụng cho Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Thay mặt Ban tổ chức, ông Nguyễn Hồng Tiến đã bày tỏ sự cám ơn đối với những hỗ trợ giúp đỡ to lớn của WB trong lĩnh vực phát triển giao thông đô thị của Việt Nam, và mong muốn qua Hội thảo, những thông tin về loại phương tiện này sẽ được cung cấp cho các nhà quản lý, nghiên cứu, tư vấn; đồng thời những cơ hội và thách thức, tiềm năng khai thác BRT tại các đô thị lớn của Việt Nam cũng sẽ được thảo luận thẳng thắn, cởi mở.
Về khả năng phát triển BRT tại các đô thị của Việt Nam, ông Ajay Kumar khẳng định: BRT là cơ hội tuyệt vời đối với phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng: để phát triển giao thông công cộng trong một đô thị, ngoài tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy của mỗi người, ý thức được việc chuyển từ sử dụng phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, còn cần nhiều biện pháp đồng bộ khác như đầu tư xây dựng các tuyến xe điện ngầm, cải tạo đường cho người đi bộ... Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những thành phố năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như Tp. Hồ Chí Minh ( nơi mà theo thống kê hiện đã có 6 triệu xe máy, dự báo trong vài năm tới con số này còn tăng gấp đôi); vì theo ông - khi kinh tế phát triển, mức thu nhập của người dân tăng cao thì nhu cầu về loại hình phương tiện giao thông nhanh chóng, hiện đại, tiện lợi là tất yếu.
Ban tổ chức cũng ghi nhận nhiều bài tham luận hay, có ý nghĩa thực tế tại Hội thảo như : Áp dụng mô hình BRT gắn với quản lý và phát triển đô thị tại Việt Nam - tham luận của Hiệp hội các đô thị Việt Nam; quy hoạch các tuyến BRT trong quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội – tham luận của Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI); kinh nghiệm triển khai BRT tại một số quốc gia châu Á và châu Phi – bài thuyết trình của ông Sam Zimmerman - chuyên gia giao thông đô thị của WB...
Phòng TT-TL