Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất.
Phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Tại Nghị quyết 164/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Chính phủ yêu cầu tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn. Chú trọng giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng... để đẩy nhanh triển khai dự án đầu tư tại Việt Nam.
Tiếp tục thúc đẩy hơn nữa phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu...; rà soát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình thuộc phạm vi quản lý, nhất là các dự án đường bộ cao tốc; bảo đảm an toàn và tiến độ thi công công trình trong mùa thiên tai, mưa lũ cuối năm…
Giảm 30% tiền thuê đất năm 2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023.
Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất theo quy định; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).
Mức giảm tiền thuê đất nêu trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Ngày 4/10/2023, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Công điện số 916/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển:
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quy định pháp luật trong công tác quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, cụ thể:
- Đảm bảo nắm được toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương; nắm rõ, cập nhật hiện trạng hàng ngày đối với các tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác (tàu đang neo đậu ở đâu, tình trạng tàu…).
- Chỉ đạo lực lượng biên phòng kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá của tỉnh và tàu cá của tỉnh khác phải đảm bảo đầy đủ điều kiện theo quy định; đặc biệt thiết bị VMS trên tàu cá từ 15 mét trở lên phải mở máy, hoạt động bình thường từ lúc rời cảng, đến khi cập cảng.
- Điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về VMS, trước mắt tập trung xử lý 100% tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên vi phạm theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổng hợp danh sách, tổ chức làm việc trực tiếp với từng chủ tàu để hướng dẫn thủ tục, thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép và cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Quý IV năm 2024 vận hành sàn giao dịch công nghệ tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 5/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập nêu rõ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí triển khai các chương trình, đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại địa phương.
Tổ chức quản lý, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại địa phương; tập trung ưu tiên các hoạt động xúc tiến thị trường, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu, phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp địa phương, sản phẩm OCOP.
Nghiên cứu đẩy nhanh việc hình thành và đưa vào vận hành các sàn giao dịch công nghệ. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương đưa vào vận hành sàn giao dịch công nghệ trong Quý IV năm 2024, thành phố Đà Nẵng tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị để đưa vào vận hành sàn giao dịch công nghệ trong Quý IV năm 2025 bảo đảm kết nối hiệu quả với các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm tư vấn, môi giới và xúc tiến chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, khu vực và quốc tế.
Hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
Theo Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 6/10/2023 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2023, về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Chính phủ cơ bản thống nhất với 03 chính sách trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và cơ quan có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ; hoàn thiện theo hướng:
Về quản lý đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, nghiên cứu làm rõ cách thức, biện pháp quản lý đối với hoạt động quảng cáo, trách nhiệm của từng chủ thể (người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý nhà nước đối với loại hình quảng cáo này).
Về bổ sung các yêu cầu cụ thể đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ đặc biệt: Rà soát, làm rõ bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan (Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, ...);
Về tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo chí, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tránh việc các ấn phẩm báo chí mang tính truyền tải thông tin có nhiều nội dung quảng cáo mang tính chất thương mại, gây phản cảm; rà soát các quy định về quảng cáo xuyên biên giới bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật về an ninh mạng, giao dịch điện tử, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng tính chất, phạm vi quản lý, xu thế phát triển dịch vụ quảng cáo để có cơ sở phân công cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm giúp Chính phủ về quản lý hoạt động quảng cáo, đồng thời cần phân định rõ trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo bảo đảm hiệu quả, không trùng dẫm; đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ quảng cáo là một lĩnh vực trọng tâm trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035.
Tiếp tục rà soát các quy định về thủ tục hành chính để quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình; quảng cáo ngoài trời,... thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan (Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Xây dựng,...), bảo đảm yêu cầu quản lý kiến trúc, bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng của người dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để đề xuất sửa đổi toàn diện hoặc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, bảo đảm khắc phục được những hạn chế, vướng mắc; tạo hành lang pháp lý cho phát triển hiệu quả ngành quảng cáo và các ngành nghề có liên quan.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ cấu lại DNNN sát với tình hình thực tế, tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn
Theo Thông báo số 402/TB-VPCP ngày 3/10/2023 kết luận của Thường trực Chính phủ tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới đối với các DNNN, Thường trực Chính phủ yêu cầu:
Cơ cấu lại DNNN sát với tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn mà phải tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
Tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; chủ động, tích cực tham gia các dự án mang tính đột phá, các dự án lớn đang triển khai như hệ thống đường bộ cao tốc Bắc Nam, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, các dự án về chuyển đổi số, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, dự án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long….
Đề cao đạo đức doanh nhân, trách nhiệm xã hội, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, bảo vệ người yếu thế, người gặp khó khăn, thiên tai, bão lũ; chăm lo, cải thiện đời sống cho công nhân, người lao động.
Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN,…
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mới nổi như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ,… góp phần đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, các địa phương và cả nước.
Đến năm 2030 Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 4/10/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2030 Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; giá trị hệ sinh thái rừng, biển, đảo, văn hoá, lịch sử và truyền thống, nhất là văn hoá xứ Nghệ được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới, biển, đảo được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được tăng cường.
Chương trình phấn đấu giai đoạn 2021 - 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 10%/năm; năng suất lao động bình quân tăng khoảng 10-11%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tăng khoảng 12%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 1.650 nghìn tỷ đồng.
Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 2/10/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát là đến 2030 Trà Vinh là tỉnh phát triển ở mức trung bình cao, nằm trong nhóm đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; có kinh tế biển phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cụ thể, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 11,5%/năm; trong đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,32%/năm, ngành công nghiệp – xây dựng tăng bình quân 15,49%/năm, ngành thương mại - dịch vụ tăng bình quân 10,81%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 148 triệu đồng vào năm 2030.