Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 27-31/3/2023

Thứ hai, 03/04/2023 16:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Thể chế hóa Nghị quyết 30/NQ-CP thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý; triển khai các giải pháp thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 27-31/3/2023.

Thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Thể chế hóa Nghị quyết 30/NQ-CP thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 179/CĐ-TTg về việc thể chế hóa Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/03/2023 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tập trung chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa Nghị quyết số 30. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Hoàn thành trước ngày 10/4/2023.

Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành các văn bản cần thiết khác thuộc thẩm quyền.

Tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 28/3/2023 về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Trong đó, Chỉ thị nêu rõ, trong quá trình hoàn thiện chính sách về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng nêu trên, các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm xác định cụ thể loại tài sản nào có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh mà Nhà nước cần nắm giữ, đối với tài sản kết cấu hạ tầng nhà nước không cần trực tiếp nắm giữ thì cho phép các thành phần kinh tế khác quản lý để tiếp tục cung cấp dịch vụ cho xã hội đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp cần thiết một số loại tài sản có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh mà Nhà nước không cần nắm giữ trong một thời kỳ nhất định thì Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định để xem xét, quyết định làm căn cứ để xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với từng loại tài sản kết cấu hạ tầng, đảm bảo thống nhất trong việc giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng gắn với hình thức giao tài sản (phù hợp với quy định của pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Trên cơ sở đó, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật liên quan (nếu cần thiết).

Triển khai các giải pháp thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký văn bản số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023 về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng (cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản và nhà ở), Bộ Tài chính (cơ quan quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng) theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan liên quan, và cùng quyết tâm của các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập một cách quyết liệt, mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực, khởi sắc thị trường bất động sản.

Trong đó thị trường và doanh nghiệp bất động sản phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường giá cả bất động sản hợp lý hơn, đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân; rà soát các dự án nhà ở, các dự án bất động sản để cùng doanh nghiệp xử lý vướng mắc pháp lý, nhất là các dự án bất động sản có phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các dự án bất động sản có bảo lãnh, vay vốn ngân hàng và huy động vốn từ người mua nhà ở…

Nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên 4 trụ cột 

Thông báo số 105/TB-VPCP ngày 31/3/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Dương nêu rõ: Nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên các trụ cột (i) công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; (ii) nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; (iii) dịch vụ chất lượng cao; (iv) đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

Hướng dẫn cơ chế đặc thù về chỉ định thầu gói thầu thuộc Chương trình phục hồi, phát triển KTXH

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, chủ động triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ khi có đề nghị của các bộ, ngành, địa phương.

Phát triển Hải Phòng đi đầu cả nước về công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. 

Mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường hàng không và đường thủy nội địa; trọng điểm dịch vụ logistics và du lịch; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển.

Hải Phòng là đô thị loại I trực thuộc trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (TMĐT) đến năm 2025.

Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.

Kéo dài thời gian thực hiện Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 302/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 kéo dài thời gian thực hiện Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính".

Cụ thể, tiếp tục thực hiện Dự án "Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính" theo Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012, Quyết định số 874/QĐ-TTg ngày 25/5/2016 và Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/12/2025. Trong đó:

Nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải hoàn thành chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.

Nhiệm vụ của các bộ, cơ quan trung ương phải hoàn thành chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)