Phát triển VLXD: Bứt phá trong năm 2006

Thứ sáu, 10/02/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2005 đi qua, ngành Xây dựng đã đạt những kết quả khả quan về tăng trưởng. Trong đó lĩnh vực đầu tư phát triển vật liệu xây dựng VLXD đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Xi măng Hoàng Thạch đang tích cực tiết kiệm chi phí trong lưu thông. Ảnh: Ngọc Liêm

Đến thời điểm này, nhìn tổng thể, các dự án đầu tư phát triển VLXD theo quy hoạch đã kết hợp được yêu cầu phát triển của Ngành với phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và lãnh thổ.

Đầu tư phát triển đúng hướng
Nổi bật và ấn tượng nhất là việc Chính phủ đã phê duyệt các dự án quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp VLXD đến năm 2010; quy hoạch phát triển VLXD theo 8 vùng kinh tế Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long. Đến nay, 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch phát triển VLXD. Hoàn thành quy hoạch của 9 chuyên ngành sản xuất VLXD, trong đó có dự án Điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được điều chỉnh lần thứ 3, đưa công suất các nhà máy xi măng từ 3,6 triệu tấn/năm 1991 lên 15 triệu tấn/ năm 2000 và 25 triệu tấn/năm 2005.
Qua điều tra, đánh giá kết quả thực hiện các dự án đầu tư phát triển VLXD theo quy hoạch, cho thấy trên 85% dự án đã được thực hiện đầu tư theo quy hoạch, trong đó khoảng 20% dự án được thực hiện nhưng có điều chỉnh; các phương án quy hoạch không được thực hiện dưới 15%. Địa điểm đầu tư các dự án sản xuất VLXD lớn được triển khai đúng theo quy hoạch. Hầu hết các địa phương đã quan tâm đến việc đầu tư phát triển VLXD theo quy hoạch, góp phần đưa công nghiệp VLXD phát triển nhanh. Do đầu tư phát triển VLXD theo đúng quy hoạch, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp VLXD cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của công nghiệp cả nước. Đây là một trong những thành công nổi bật của lĩnh vực này.
Công tác thị trường cũng có bước phát triển mới. Đã sử dụng công nghệ thông tin bán hàng qua mạng, xây dựng thị trường ảo, xây dựng các tổ hợp thương mại VLXD lớn đồng bộ để giới thiệu, bán sản phẩm. Đã hình thành diễn đàn kiến trúc - VLXD - công nghệ nhằm đưa VLXD gắn với công trình kiến trúc và đời sống xã hội. Không chỉ dừng ở đó, cùng với việc phát huy nội lực để đầu tư phát triển sản xuất là chủ yếu, đã có nhiều dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài, góp phần cùng các ngành khác thu hút vốn đầu tư, tiếp thu công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước. Các doanh nghiệp đã có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng các sản phẩm có chất lượng và hàm lượng khoa học công nghệ cao, thay thế nhập khẩu, hướng mạnh xuất khẩu, góp phần cân đối cung- cầu và bình ổn thị trường. Đã áp dụng thành công công nghệ nano tạo men chống dính, chống nhiễm khuẩn. Nhiều loại VLXD mới có tính năng cao, kích thước lớn cũng đã được đầu tư sản xuất. Nhiều dây chuyền công nghệ có quy mô sản xuất lớn, công nghệ hiện đại, đạt trình độ cao trong khu vực và trên thế giới như: xi măng, gạch ceramic, granit nhân tạo, sứ vệ sinh, kính xây dựng... Sản phẩm VLXD Việt Nam đã xuất khẩu ra hơn 100 nước trên thế giới. Trong đó có thị trường lớn như Mỹ, Australia, châu Âu, Nhật Bản… đưa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2005 lên 25,7%, đạt 113 triệu USD. Nhiều thương hiệu đã có chỗ đứng và uy tín trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, công tác quản lý chất lượng VLXD cũng được Bộ Xây dựng quan tâm. Trong năm 2005, đã ban hành 31 tiêu chuẩn VLXD, tăng 10% so với năm 2004. Các phòng thí nghiệm hợp chuẩn cũng được công nhận nhiều hơn. Các doanh nghiệp đã coi trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, coi đây là yếu tố sống còn trong cạnh tranh và đã cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng cao. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các đơn vị tham gia vào chương trình cơ khí trọng điểm của Chính phủ với nhiệm vụ: Thiết kế công nghệ và chế tạo thiết bị đồng bộ cho nhà máy xi măng có công suất từ 2.500 - 4.000 tấn clinker/ngày; thiết bị thuỷ điện có công suất đến 50MW. Đây là bước đi quan trọng trong việc chủ động sản xuất, cung cấp thiết bị đồng bộ cho lĩnh vực xây dựng công nghiệp.

Những nỗ lực lớn trong năm 2006
Mặc dù đã có những kết quả nổi bật trong quản lý đầu tư, phát triển VLXD, nhưng để thực hiện tốt các định hướng, chiến lược đề ra, báo cáo của Bộ cũng chỉ rõ, trong năm 2006 cần tổ chức thực hiện tốt dự án Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp VLXD đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch thăm dò khai thác và chế biến các loại khoáng sản làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp VLXD. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện Điều chỉnh quy hoạch phát triển VLXD của địa phương đã lập trước năm 2000; xây dựng các dự án quy hoạch phát triển VLXD của 14 địa phương chưa có quy hoạch. Đặc biệt, trong năm 2006, cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số nhà máy xi măng lớn đang triển khai để đưa vào sản xuất; điều hành cân đối cung cầu clinker, xi măng để bình ổn thị trường; chỉ đạo triển khai thực tế Chương trình cơ khí chế tạo thiết bị toàn bộ cho sản xuất xi măng và các thiết bị khác.

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 12, ngày 09/02/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)