Ngày 20/7/2023, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị công bố Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Tham dự hội nghị có lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, đại diện các Bộ, ngành Trung ương. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - đơn vị tư vấn cho biết: mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng hệ thống trụ sở làm việc đảm bảo theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng điều kiện làm việc của các Bộ, ngành trung ương tại Thủ đô Hà Nội; nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy hành chính, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, từng bước góp phần tinh giảm bộ máy hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hiện đại, đồng bộ; góp phần sắp xếp lại đô thị và giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội; là cơ sở pháp lý cho công tác triển khai các dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và công trình liên quan trong khu vực quy hoạch.
Phạm vi quy hoạch là các trụ sở làm việc của 18 Bộ, 4 cơ quan ngang Bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 cơ quan trung ương của các đoàn thể nằm trong phạm vi địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội. Quy mô lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở Bộ, ngành trung ương tập trung tại khu Tây Hồ Tây khoảng 35ha; tại khu Mễ Trì khoảng 55ha.
Hệ thống trụ sở làm việc được quy hoạch bao gồm các cơ sở ổn định vị trí là các Bộ, ngành có yêu cầu đặc thù đã có cơ sở vật chất ổn định, đáp ứng được điều kiện làm việc; các cơ quan đã thực hiện di dời, xây dựng lại cơ sở vật chất trong giai đoạn gần đây; các cơ quan xây dựng mới được bố trí tập trung thành các khu cụm cơ quan.
Về phân kỳ thực hiện quy hoạch, tại khu Tây Hồ Tây, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1. Cụ thể thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1. Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Từ năm 2031 - 2035, thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các Bộ, cơ quan còn lại và các công trình công cộng.
Tại khu Mễ Trì, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng. Giai đoạn từ năm 2026 - 2030, thực hiện đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời. Từ năm 2030 trở đi, thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan có nhu cầu di dời.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại hội nghị
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước. Giai đoạn hiện nay là thời điểm phù hợp để triển khai, khi Hà Nội đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung và đang trình dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. UBND thành phố Hà Nội đã sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ Đồ án và tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các Bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây và lựa chọn được phương án xuất sắc.
Đại diện Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn bàn giao hồ sơ Đồ án cho UBND Thành phố Hà Nội
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, ngày 20/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 423/QĐ-TTg Phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030. Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và kiến trúc; tổ chức quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc được duyệt; phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội đề xuất phương án đầu tư, nguồn vốn đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, cảnh quan và các công trình công cộng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Các Bộ, cơ quan phải di dời cần xây dựng chi tiết lộ trình di dời cơ sở cũ, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở mới theo kế hoạch thực hiện quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý; lấy ý kiến UBND thành phố Hà Nội; gửi Bộ Tài chính tổng hợp, lập phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các Bộ ngành phải di dời để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xác định số người làm việc và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tại các trụ sở làm việc làm cơ sở dự báo nhu cầu sử dụng đất, diện tích sàn xây dựng và cơ sở hạ tầng phụ trợ cho các dự án xây dựng trụ sở Bộ khi triển khai lập dự án đầu tư xây dựng cụ thể; lấy ý kiến Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính; gửi Bộ Xây dựng để quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc được duyệt.
UBND thành phố Hà Nội thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật kết nối với hạ tầng Khu trụ sở làm việc của các Bộ, ngành tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đề xuất phương án đầu tư, nguồn vốn đầu tư hệ thống hạ tầng, cây xanh, cảnh quan và các công trình công cộng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Toàn cảnh hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, Bộ Xây dựng mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ ngành Trung ương, UBND Thành phố Hà Nội, các cơ quan đoàn thể trong việc triển khai, thực hiện Đồ án Quy hoạch này, đảm bảo hiệu quả theo yêu cầu đã đề ra.