Ngày 23/9/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác liên kết đào tạo Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp theo Luật Giáo dục nghề nghiệp ở khu vực phía Bắc”, do nhóm nghiên cứu thuộc trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định thực hiện. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo với Hội đồng, thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Lương Văn Doanh cho biết: trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, liên kết đào tạo là xu thế tất yếu, là loại hình phổ biến được nhiều cơ sở giáo dục đào tạo áp dụng và đưa lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí. Bên cạnh đó, hoạt động liên kết đào tạo hiện nay cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, nhất là việc xây dựng, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; thực hiện quy trình đào tạo, tính chủ động, tích cực trong liên kết đào tạo, kinh nghiệm quản lý hoạt động liên kết đào tạo trong bối cảnh và tình hình mới; chính sách thu hút, động viên khích lệ cán bộ, giảng viên; chính sách tuyển sinh... Vì vậy, việc nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác liên kết đào tạo tại các trường Cao đẳng, Trung cấp thuộc Bộ Xây dựng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết.
Nhiệm vụ được thực hiện nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn mô hình liên kết đào tạo, từ đó đề xuất các giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng công tác liên kết đào tạo; tăng cường nguồn nhân lực chất lượng thông qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu là công tác liên kết đào tạo tại các trường Cao đẳng và Trung cấp thuộc Bộ Xây dựng ở khu vực phía Bắc.
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới có liên quan đến nội dung nghiên cứu, áp dụng nhiều phương pháp khoa học, đề xuất các giải pháp có minh họa bằng kết quả và kinh nghiệm thực tiễn. Thông qua các kết quả điều tra, khảo sát những nhóm đối tượng khác nhau (Trưởng, Phó các phòng, khoa chức năng trong trường Cao đẳng, Trung cấp, các trung tâm giáo dục thường xuyên ở một số địa phương; chỉ huy trưởng công trình, quản lý sản xuất tại các doanh nghiệp và làng nghề; giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, người học tại các cơ sở đào tạo của một số trung tâm giáo dục thường xuyên... nhóm nghiên cứu đã tổng hợp, đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của hoạt động liên kết đào tạo. Cụ thể:
Đối với các Bộ, ban, ngành: tạo điều kiện về cơ sở vật chất; cho phép sử dụng tài sản công trong việc hoạt động liên kết đào tạo; chú trọng cải cách hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho việc mở các lớp đào tạo theo hình thức liên kết tại các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, các doanh nghiệp...
Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: chủ động nắm bắt thông tin, xây dựng mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn; tích cực tuyên truyền và tác động đến các chủ doanh nghiệp về trách nhiệm trong hoạt động đào tạo nghề. Nhà trường và doanh nghiệp cần thống nhất xây dựng bộ công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động liên kết đào tạo nghề; hàng năm phối hợp cùng nhau tổ chức kiểm tra đánh giá hiệu quả của hoạt động đào tạo nghề.
Đối với các doanh nghiệp, làng nghề: cần nhận thức rõ hơn vai trò của mình trong bối cảnh mới đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế; vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nên không chỉ tổ chức sản xuất kinh doanh chạy theo lợi nhuận kinh tế, mà còn phải thực hiện trách nhiệm xã hội.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng thống nhất với lý do, sự cần thiết thực hiện Nhiệm vụ, đồng thời đánh giá cao công sức của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện. Hội đồng cũng góp ý để nhóm nghiên cứu làm rõ hơn mô hình liên kết, kết quả đạt được của mô hình liên kết; làm rõ hơn những tồn tại, bất cập của mô hình liên kết hiện nay, làm cơ sở đưa ra những đề xuất, kiến nghị, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả của mô hình này; bổ sung giải pháp để doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chuẩn đầu ra và khảo sát đánh giá nghề; đề xuất hình thức liên kết đào tạo phù hợp với từng địa phương và từng giai đoạn cụ thể.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Vũ Ngọc Anh tổng hợp các ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm của Nhiệm vụ, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét theo quy định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu Nhiệm vụ, với kết quả đạt loại Khá.