Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên

Thứ tư, 08/07/2015 12:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
"Bộ Xây dựng đồng tình với mục tiêu HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đề ra đến năm 2020, tăng tỷ lệ đô thị hóa từ 23% hiện nay lên 38 - 40,5%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này vào năm 2020, Hưng Yên cần phải xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể trong phát triển đô thị vì tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh hiện còn ở mức thấp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chưa cao" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khẳng định như vậy tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên ngày 7/7/2015, tại Hưng Yên.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết Bộ Xây dựng sẵn sàng hỗ trợ Hưng Yên trong việc phát triển đô thị, lựa chọn và áp dụng công nghệ xử lý chất thải

Phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa

Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời là cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, có 23km QL 5A và trên 20km tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng chạy qua, Hưng Yên có cơ hội tiếp nhận và tận dụng sự phát triển chung của cả vùng, trước hết về khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm… đây là điều kiện tốt để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Ngoài ra, Hưng Yên có điều kiện tốt để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hoá phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khi nằm gần các thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp, gần các trung tâm công nghiệp các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và gần các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển,

Hưng Yên hiện có 1 đô thị loại III (TP Hưng Yên), 1 đô thị loại IV (Mỹ Hào), 8 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt 23%, là một trong số ít các tỉnh đã chủ động triển khai việc lập, phê duyệt các Chương trình phát triển đô thị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện công tác phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch. Trong năm 2015, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch làm cơ sở lập chương trình phát triển đô thị cho các đô thị còn lại và xác định khu vực phát triển đô thị.
 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh khảo sát mô hình nhà ở công nhân của Cty TNHH TOKO, tỉnh Hưng Yên
 

Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 4/13 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ hoàn chỉnh để tiếp nhận các dự án đầu tư, trong đó 3/14 khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung đảm bảo công suất xử lý 100% nước thải của các nhà máy. Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá hệ thống những khu công nghiệp sẽ tạo là động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hưng Yên, đó đó UBND tỉnh nên chú trọng quy hoạch đảm bảo kết nối hài hòa các khu công nghiệp này với quy hoạch các vùng xung quanh, đồng thời tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể về tiến độ xây dựng, cam kết của chủ đầu tư các khu công nghiệp này...

Do Hưng Yên nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, nên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị UBND tỉnh xem xét kỹ lưỡng vai trò của Hưng Yên đối với quy hoạch từng vùng, đồng thời tỉnh cần rà soát hệ thống đô thị cho phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết Bộ Xây dựng sẵn sàng hỗ trợ Hưng Yên trong việc phát triển đô thị, lựa chọn và áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện địa phương.

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

Bên cạnh việc chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, Hưng Yên cũng đặc biệt quan tâm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Hưng Yên hiện có 145 xã tham gia Chương trình, đến ngày 30/6/2015, bình quân toàn tỉnh đạt 14 tiêu chí/xã, tăng 0,6 tiêu chí/xã so với năm 2014. Hiện tỉnh đã có 18 xã được công nhận là xã NTM, 145/145 xã hoàn thành tiêu chí quy hoạch NTM, đã có 89 xã hoàn thành tiêu chí giao thông, 62 xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi, 145 xã hoàn thành tiêu chí điện nông thôn, 47 xã hoàn thành tiêu chí trường học, 74 xã hoàn thành tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 94 xã hoàn thành tiêu chí điện nông thôn, 144 xã hoàn thành tiêu chí nhà ở. 100% thôn của 145 xã đã có tổ, đội thu gom rác thải.

Nhằm tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng NTM, ngay từ khi lập quy hoạch, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo mỗi xã dành 3ha để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài ra, toàn bộ kinh phí thu từ nguồn đất dôi dư, đất do người dân xâm lấn cũng được tỉnh tạo cơ chế, giao 100% cho xã sử dụng đề xây dựng NTM.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Hưng Yên cũng gặp phải một số khó khăn, như nhận định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Ngọc: "Một số tiêu chí xây dựng NTM đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn như thủy lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế... Trong khi khả năng xã hội hóa nguồn vốn của tỉnh không cao. Bên cạnh đó, ngay trong yêu cầu của các tiêu chí quy định chưa phù hợp, như tiêu chí về điện (một số trường hợp nằm trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện nhưng do lịch sử để lại, quy định về hiệu điện thế...".

Ghi nhận những khó khăn trong xây dựng NTM ở Hưng Yên, song Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cũng đánh giá cao nỗ lực của Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên, đặc biệt là sáng kiến nhằm tạo cơ chế để các xã có nguồn kinh phí xây dựng NTM, như tạo quỹ đất để đấu giá, tận dụng kinh phí từ nguồn đất dôi dư, đất do người dân xâm lấn... phục vụ xây dựng NTM.

Cũng trong chuyến công tác tại Hưng Yên ngày 7/7, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cùng đoàn công tác Bộ Xây dựng đã kiểm tra thực tế kết quả xây dựng nông thôn mới ở xã Đức Hợp (huyện Kim Động) và mô hình xây dựng nhà ở xã hội của Cty TNHH TOKO Việt Nam.
 

Trần Đình Hà
 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)