Ngày 8/9/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu mở rộng ứng dụng thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch nhằm quản lý, khai thác không gian cao tầng, điểm nhìn, điểm nhấn trong đô thị”. Nhiệm vụ do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thực hiện. Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Vũ Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS.KTS. Nguyễn Xuân Anh nêu rõ sự cần thiết thực hiện nhiệm vụ và các nội dung cụ thể mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện. Theo báo cáo, thiết kế đô thị về tầng cao đề cập trong quy hoạch bao gồm 2 nhóm nội dung - chiến lược phát triển tầng cao đô thị và hướng dẫn tầng cao. Xây dựng nhà cao tầng có thể tạo ra các vấn đề quá tải hạ tầng đô thị, làm giảm chất lượng cuộc sống người dân nếu như quy hoạch không đảm bảo cung cấp đầy đủ các hệ thống hạ tầng cần thiết. Các tòa nhà cao tầng sẽ làm gia tăng nhu cầu về giao thông và thêm tải vào lưới điện, hệ thống cấp thoát nước... Trong khi tại nhiều thành phố phát triển trên thế giới, việc xây dựng hầu như đã chững lại thì tại đô thị của các nước đang phát triển, xu hướng này đang tiếp tục. Lợi thế của những nước đi sau là học tập được kinh nghiệm từ những nước đi trước và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là những đột phá công nghệ có thể dẫn đến một quan niệm hoàn toàn mới, đó là đô thị 3 chiều với hàm ý không gian công cộng, sinh thái trên cao được kết nối liên thông với nhau và trở thành một hệ thống mới.
Theo ThS. KTS. Xuân Anh, đến nay, Việt Nam mới chỉ đi những bước đầu trong phát triển đô thị cao tầng; trong đó Thủ đô Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đang gặp nhiều vướng mắc. Vấn đề chính là chưa có sự chuẩn bị hạ tầng tương xứng cho các trung tâm đô thị có mật độ cao. Trong khi các không gian đô thị thấp và trung tầng đang tiếp tục bị quá tải, dân đến giảm chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, đặc thù kinh tế, thể chế khiến mô hình đô thị cao tầng mà Việt Nam tìm kiếm khó diễn ra theo lộ trình thông thường của các quốc gia đi trước. Các quy định của Việt Nam hiện nay đối với nhà cao tầng chủ yếu thể hiện trong hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, và mới dừng lại ở đối tượng là nhà cao tầng mà chưa thực sự đề cập đến các khu trung tâm cao tầng, do đó chưa tạo cơ sở pháp lý và khoa học để các thành phố triển khai, chuẩn bị hạ tầng cho các khu vực như vậy. Ngoài ra, thiếu các hướng dẫn cần thiết khiến các thành phố thiếu nhận thức và công cụ pháp lý để định hình trung tâm đô thị.
Nhiệm vụ đề xuất coi chất lượng không gian công cộng là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đô thị. Bên cạnh đó, Chính quyền đô thị phải đảm đương được vai trò chủ trì điều phối các nguồn lợi đổi mới đô thị. Đô thị là một thực thể liên tục thay đổi, cả về không gian vật thể và phi vật thể. Muốn vậy, chính quyền cần có đủ tri thức và nguồn lực để tác động và là chủ thể chính trong suốt quá trình phát triển. Chính quyền cần phải tỉnh táo và nâng cao ý thức phục vụ người dân, thể hiện trong việc chống đầu cơ nhà đất, dành lại sự chủ động phát triển hạ tầng khung, minh bạch, nhất quán trong quy hoạch và cần xây dựng một nền tảng quản trị đô thị tiến bộ thay vì quản lý thụ động.
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng nhất trí với lý do, sự cần thiết thực hiện nhiệm vụ, đồng thời đánh giá cao tâm huyết, công sức của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ theo hợp đồng.
Theo Hội đồng, trong khuôn khổ thời hạn được giao, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ số lượng sản phẩm và đảm bảo chất lượng; hồ sơ nghiệm thu tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục quy định hiện hành. Báo cáo tổng kết có nội dung phong phú, đa dạng về thông tin và số liệu, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, là tài liệu tham khảo quý báu cho các nhà quản lý đô thị, nhà nghiên cứu cũng như cho các cơ sở giáo dục, đào tạo chuyên ngành. Cùng với việc tổng quan kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới về phát triển tầng cao đô thị, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, tổng hợp số liệu, phân tích và đánh giá quá trình phát triển đô thị tầng cao ở Việt Nam, dẫn giải số liệu thực tế của nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu… từ đó làm cơ sở đưa ra những đề xuất có tính thực tiễn.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo tổng kết và các sản phẩm nhiệm vụ, Hội đồng góp ý nhóm nghiên cứu cần bố cục Báo cáo tổng kết ngắn gọn và súc tích hơn; cần giải thích rõ hơn các khái niệm chuyên ngành, tham chiếu với các quy định có liên quan cũng như làm rõ hơn sự khác biệt giữa bản sắc kiến trúc, bản sắc đô thị phương Đông và phương Tây, qua đó xác định rõ hơn những yếu tố cần được học tập từ kinh nghiệm của các nước phương Tây trong phát triển đô thị tầng cao.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, với kết quả xếp loại Xuất sắc.